Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư hướng dẫn hoạt động đặc thù, chế độ báo cáo và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp. Trên cơ sở đó, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động quản lý Nhà nước các cấp về HTX nông nghiệp.
Cánh đồng lớn với giống lúa chất lượng cao của HTX Gò Gòn (Long An) |
Ở Trung ương, bố trí đủ cán bộ của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT và các đơn vị thuộc Bộ nhằm đảm bảo có đủ lực lượng, chất lượng để tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước và triển khai hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp.
Đối với cấp tỉnh, rà soát, đánh giá bộ máy quản lý nhà nước ở các địa phương, nhất là đối với cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh và Sở NN-PTNT, trực tiếp là Chi cục PTNT. Ở cấp huyện, phân công cán bộ chuyên trách về công tác quản lý nhà nước về HTX ở Phòng NN-PTNT (hoặc Phòng Kinh tế) cấp huyện.
Sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành, thời gian qua các văn bản hướng dẫn Luật được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ, đặc biệt là việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện các chính sách đã được ban hành chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, việc hỗ trợ các HTX hoạt động là rất khó khăn.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến HTX chậm phát triển. Để khắc phục tình trạng trên cần phải tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành và đề xuất việc bổ sung các cơ chế, chính sách mới phù hợp.
Đối với Luật HTX, qua quá trình sơ kết xuất hiện một số tồn tại, bất cập như: Quy định tỷ lệ góp vốn tối đa của các thành viên; quy định về tổ chức HĐQT; bổ sung các nội dung để hỗ trợ cho hoạt động HTX đáp ứng yêu cầu hiện nay; chưa có chế tài xử lý đối với HTX và tổ chức, cá nhân vi phạm Luật HTX.
Đối với các văn bản hướng dẫn Luật HTX và quy định về cơ chế, chính sách, tiếp tục rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách đã ban hành; đề xuất bổ sung để hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ HTX và tổ chức thực hiện có hiệu quả, như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong SX và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành trình Chính phủ sớm ban hành và sửa đổi các Nghị định có liên quan đến phát triển HTX nông nghiệp và các văn bản hướng dẫn.
Tạo sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế chính sách để thu hút các DN lớn làm đầu tàu tham gia tổ chức lại SXNN theo chuỗi giá trị từ SX đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên các lĩnh vực nhằm tạo động lực mới để chuyển đổi hoàn toàn hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu cũ, củng cố, duy trì, phát triển HTX kiểu mới..., từ đó tạo chuyển biến lớn trong thực hiện mục tiêu phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả đến năm 2020.
Về đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Bộ với các Bộ, ngành Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam và chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác phát triển HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp theo ngành dọc được xuyên suốt, hiệu lực, hiệu quả. Rà soát, đánh giá kỹ, đầy đủ, sâu sắc các nhóm mô hình HTX để có các giải pháp phù hợp, đặc biệt trong công tác quản trị, định hướng phát triển và tổ chức hoạt động của HTX nông nghiệp đảm bảo hiệu quả, bền vững. |
Đối với các địa phương, hiện đã ban hành các nghị quyết, đề án, dự án, cơ chế chính sách để tổ chức thực hiện Luật HTX trên địa bàn. Tuy nhiên, qua sơ kết tình hình thực hiện Luật HTX năm 2012 cho thấy còn nhiều tồn tại, bất cập trong việc tổ chức thực hiện ở địa phương. Do đó, các tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá việc thi hành Luật HTX để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Trong các giải pháp thì vấn đề cốt lõi là tổ chức, nhân sự, phải chọn được người đứng đầu các cấp trong hệ thống tổ chức bộ máy quản lý HTX và nhất là người đứng đầu HTX có tâm huyết, ý chí vươn lên, tự giác, khát vọng khởi nghiệp.
Do đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ hệ thống quản lý nhà nước, lực lượng hỗ trợ, lực lượng trực tiếp hoạt động ở các HTX và thành viên HTX.
Đối với cán bộ quản lý trong hệ thống quản lý nhà nước về HTX và các đoàn thể chính trị - xã hội, hiện nay những kiến thức quản lý nhà nước về HTX của lực lượng này, nhất là ở địa phương là tương đối yếu nên quá trình tổ chức thực hiện Luật lúng túng dẫn đến việc tham mưu cho các cấp chính quyền triển khai các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước có nhiều khó khăn. Vì vậy, bồi dưỡng kiến thức cho lực lượng này là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện Luật HTX thuận lợi.
Đối với cán bộ quản lý các HTX, thực trạng cán bộ quản lý HTX hiện nay và lực lượng dự kiến là sáng lập viên thành lập HTX ở địa bàn nông thôn đa số có trình độ quản lý và tổ chức sản xuất là rất yếu, do đó để HTX hoạt động có hiệu quả và thành lập HTX thì việc đào tạo, bồi dưỡng trình độ cho lực lượng này là yếu tố quyết định đến chất lượng hoạt động của các HTX.
Cần đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng quản trị HTX, phương pháp xây dựng phương án SXKD, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ thuật SX ... Việc đào tạo về kỹ năng quản trị HTX, bên cạnh hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, sẽ thực hiện theo hướng phổ cập đào tạo toàn diện cho cán bộ quản lý HTX nông nghiệp với thời gian đào tạo tập trung.
Thực hiện việc thí điểm đưa cán bộ có trình độ CĐ, ĐH về làm việc tại các HTX theo Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 về hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX, thành lập mới HTX, tổ chức lại hoạt động của HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020.
Trên cơ sở các HTX lựa chọn, các địa phương lập danh mục báo cáo với Bộ NN-PTNT để Bộ phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí để thực hiện. Chương trình thí điểm đưa cán bộ về làm việc tại HTX sẽ được tổng kết đánh giá vào cuối năm 2020 để nhân rộng cho các năm tiếp theo.
Đối với thành viên HTX, thực hiện việc đào tạo bồi dưỡng về thực hành nông nghiệp tốt cho các thành viên là nông dân trực tiếp SXNN thông qua các chương trình khuyến nông; các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế; các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Liên minh HTX và các tổ chức hội đoàn thể chính trị - xã hội; các chương trình đào tạo của DN liên kết để đạt yêu cầu tiêu chuấn chất lượng sản phẩm hàng hóa liên kết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn