Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam trao tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Ngày 14/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020). 80 tập thể và 69 cá nhân được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020.
Thời gian qua, tại các địa phương, hội viên, nông dân đã tích cực chủ động tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn. Đóng góp trên 80 ngàn tỷ đồng, trên 36 triệu ngày công, hiến trên 53 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 502.000 km kênh mương nội đồng và 219.000 km đường giao thông nông thôn, hàng ngàn nhà văn hóa thôn, ấp, bản; xóa 29.411 nhà tạm. 290.500 lớp tập huấn được tổ chức cho gần 23 triệu lượt hội viên, nông dân về tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng công nghệ cao, an toàn và liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.
Đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp vận động, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thành lập được 3.134 hợp tác xã và 20.248 tổ hợp tác; 693 Chi Hội nông dân nghề nghiệp và hơn 14.500 Tổ Hội nông dân nghề nghiệp.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các cấp Hội đã triển khai sâu rộng các nội dung về xây dựng gia đình văn hóa; tham gia xây dựng thôn, làng, ấp, bản, văn hóa...; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu.
Chủ tịch Hội Nông dân Nam Định Nguyễn Hùng Mạnh chia sẻ, với nhiều cách làm sáng tạo, Nam Định đã thành công trong xây dựng nông thôn mới. Điểm sáng chính là công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực của cộng đồng để xây dựng nông thôn mới, làm nổi bật ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới là “làm cho người dân, vì người dân nông thôn”.
Một trong những cách làm hay, sáng tạo ở huyện Hải Hậu được nhân rộng ra toàn tỉnh là phương châm “Làm từ đồng về làng, làm từ hộ gia đình ra thôn xóm, làm từ thôn xóm lên xã”; “Xóm chịu trách nhiệm công việc của xóm, xã chịu trách nhiệm các công trình của xã”. Các công trình chịu sự giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng và nhân dân, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch.
Đến nay đã có 209/209 xã, thị trấn; 10 huyện, thành phố (bằng 100%) đạt chuẩn nông thôn mới. Nam Định là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về xây dựng nông thôn mới, hiện nay tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận đạt “Tỉnh Nông thôn mới” vào tháng 11/2019.
Chủ tịch Hội Nông dân Sơn La Hoàng Sương cho biết, Hội ND các cấp trong tỉnh đóng vai trò ‘‘trung tâm, nòng cốt’’ trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nông dân thực hiện xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được 31.896 ha diện tích trồng cây lương thực, cây công nghiệp hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hội NDVN Thào Xuân Sùng khẳng định, 10 năm qua, nhận thức về vai trò của Hội NDVN và vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng ngày càng đầy đủ, đó là kết quả của công tác tuyên truyền, vận động tới đông đảo hội viên nông dân. Kết quả này là tiền đề cho tư duy, trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống Hội, sự tham gia đóng góp to lớn của hội viên, nông dân và cộng đồng cư dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và tổ chức Hội về xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng trong thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020.
Đến tháng 10/2019, cả nước có 4.554 xã (51,16%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã; 93 đơn vị cấp huyện của 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn: Chinh phu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn