... hoạt động của Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Cư Kuin đã góp sức vào công cuộc xây dựngnông thôn mới ở địa phương.
Chủ động trong sản xuất, kinh doanh
Đến cuối năm 2014, toàn huyện có trên 18.000 hội viên, chiếm 93% tổng số hộ gia đình có ít nhất một hội viên phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Xác định hội viên phụ nữ là một trong những lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới nên ngay từ khi triển khai chương trình, Huyện Hội đã chú trọng chỉ đạo các chi hội tập trung tuyên truyền, khuyến khích hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập, cải thiện cuộc sống. Qua đó, thế mạnh của từng địa phương đã được phát huy, hình thành các vùng chuyên canh tập trung như trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm... và xuất hiện nhiều điển hình sản xuất kinh doanh giỏi trên các lĩnh vực. Chị Nguyễn Thị Kiều Kim Thoa ở thôn Mới (xã Hòa Hiệp), trước đây, gia đình chị trồng rau theo cách truyền thống, chủ yếu là lấy công làm lãi. Sau khi tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng rau sạch do Hội phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức, chị mạnh dạn vay mượn vốn đầu tư xây dựng mô hình trồng rau sạch theo quy trình VietGap. Với 2 sào đất trồng các loại rau như: đậu cô ve, cà chua, dưa leo và 1 ha đất trồng dưa hấu, mỗi năm trừ chi phí thu lãi trên 150 triệu đồng. Hay như trường hợp của chị Trần Thị Kim Duyên ở thôn 4 (xã Ea Bhốk), từ 15 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, bằng cách “lấy ngắn nuôi dài” đã xây dựng được trang trại tổng hợp. Trước tiên, chị đầu tư nuôi 1.300 con gà thịt, 12 con dê, khi có vốn thì chăn nuôi thêm bò và trồng xen canh tiêu trong 7 sào cà phê, mỗi năm thu được 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Người dân thôn Mới (xã Hòa Hiệp) chia sẻ niềm vui với cán bộ phụ nữ thôn (đứng giữa) trên con đường bê tông mới được xây dựng.
Để giúp hội viên có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, đến cuối năm 2014, Hội đã tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội tổng dư nợ 57 tỷ đồng, cho 3.839 hội viên vay đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nhỏ; xây dựng quỹ tiết kiệm tại các chi hội được 4,3 tỷ đồng cho 605 chị vay; vận động hội viên có kinh tế khá giúp hội viên khó khăn 436 ngày công, 1.293 cây, con giống các loại. Đồng thời, Hội xây dựng mô hình chăn nuôi bò, phối hợp tổ chức dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hội viên… Qua đó, hội viên phụ nữ trên địa bàn đã phát triển sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, từng bước phá bỏ thế độc canh, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Thị Tuyết Lan, các tiêu chí của Cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” gồm: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không có trẻ em bỏ học và suy dinh dưỡng, không sinh con thứ 3, sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp sát với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới và rất gần gũi, gắn bó với đời sống hội viên. Do đó, ngoài việc ban hành kế hoạch hướng dẫn triển khai cụ thể đến từng chi, tổ hội, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và xây dựng các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với đặc điểm, tình hình riêng của từng xã. Ở 27 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội hướng dẫn hội viên phụ nữ tận dụng những vật liệu sẵn có để làm nhà vệ sinh, nhà tắm; vận động bà con không chăn thả gia súc, gia cầm dưới nhà sàn, thường xuyên quét dọn, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, khuyến khích các chi hội phụ nữ người Kinh xây dựng và đảm nhận con đường phụ nữ tự quản; tự nguyện giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, tiền làm đường giao thông nông thôn; xây dựng, sửa sang tường rào, nhà cửa, khơi thông cống, mương thoát nước theo tiêu chí nông thôn mới. Nhờ vậy, tính đến cuối năm 2014, huyện Cư Kuin có 11.528 gia đình hội viên phụ nữ (chiếm 65%) đạt 8 tiêu chí 5 không và 3 sạch, tăng 3.534 hộ so với cuối năm 2013; giảm 100 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Thị Tuyết Lan cho biết, đến nay huyện đã có 1 xã đạt 12 tiêu chí, 2 xã đạt 10 tiêu chí, 2 xã đạt 8 tiêu chí, còn lại là từ 4 đến 7 tiêu chí nông thôn mới. Có được kết quả này, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, sự nỗ lực, cố gắng của người dân, còn có cả những đóng góp không nhỏ của cán bộ, hội viên phụ nữ.
Theo: daklak24h.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn