Hội quán nông dân xã Phước lại do anh Nguyễn Thanh Khiết, chủ tịch xã khởi xướng.
Nơi thu hút các hộ nông Cần Giuộc cuối tuần. |
Anh Khiết cho biết, Phước Lại là xã kinh tế thuần nông với 2 ngành nghề chính là nuôi thủy sản nước lợ (420 hecta) và trồng lúa (57 hecta).
Xuất thân là giảng viên sinh học trường Đại học KHTN TP.HCM, đam mê nghiên cứu lan rừng nên anh đã có những vườn ươm tại Nam Cát Tiên. Để phát triển những nghiên cứu của mình, anh mở ra vườn ươm trồng lan rừng tại quê nhà, xã Phước Lại. Nguồn gien lan rừng được lấy từ các rừng Việt Nam như Nam Cát Tiên, Chu-mon-rây (Gia Lai); Hòn Hèo ( Nha Trang)... về nhân giống và bảo tồn.
Từ thành công của anh, các hộ nông dân gần đó lại học hỏi, chia sẻ, cứ thế, nghề trồng lan tại Cần Giuộc cứ lan tỏa.
Anh Nguyễn Thanh Khiết, chủ tịch xã Phước Lại chia sẻ mô hình trồng lan rửng xen nuôi cá. |
Anh Khiết cho biết thêm, trong quá trình phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới, Phước Lại hiện đã đạt 17/19 tiêu chí. Để thành quả phấn đấu mau đến đích một cách vững chắc thì kinh tế sản xuất phải vững mạnh. Nghề trồng lan đang là một hướng phát triển tốt với thị trường mở rộng. Đặc biệt, mô hình trồng lan ở đây chúng tôi có xen nuôi cá.
Đến nay, chỉ riêng tại Phước Lại, đã có 10 hộ thực hiện mô hình trồng lan xen nuôi cá. Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tháng 4/2019 anh Khiết quyết định lập Hội quán Nông dân xã Phước Lại tại vườn ươm của mình. Với diện tích chỉ 800 m2, phía trên là vườn ươm và trồng lan rừng, phía dưới chúng tôi đào những bể nuôi các loại cá như cá Koi, cá trê, cá bống tượng, cá bảy màu...
Tại Hội quán có đủ các hồ nuôi các loại cá trên cùng ghi chép chia sẻ kỹ thuật, hiệu quả… ai muốn chọn lựa mô hình nuôi cá nào là tùy thích.
Anh Phạm Hoàng Hậu, một trong những thành viên đầu tiên của Hội quán nông dân Phước Lại cho biết, hầu hết các thành viên của Hội quán trước đây sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trước tác động biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi thất thường khiến hiệu quả nuôi trồng thủy sản vô cùng bấp bênh. Từ khi chuyển sang trồng lanxen nuôi cá, kinh tế ổn định và phát triển một cách rất lạc quan.
Anh Phạm Hoàng Hậu yên tâm với thu nhập từ vườn lan và cá của mình. |
Anh Hậu chia sẻ thêm, vườn ươm – trồng của Hậu cũng 800m2, chuyên về lan Ngọc Điểm và Giả Hạt (Phi Điệp), dưới là nuôi cá trê vàng lai và cá bống tượng. Cá trê vàng nuôi 3 tháng cho thu nhập (400 con/m2 sau 3 tháng đạt 5 con 1 kg, bán 35.000 đồng/kg; chi phí đầu tư 25.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 10.000đồng/kg; Nhưng quan trọng là lấy phân và nhớt cá tưới cho lan.
Trong vườn lan, tôi dành 300m2 trồng 10.000 cây lan Ngọc điểm; 500m2 diện tích còn lại trồng 50.000 cây lan Giả Hạt; sau 1,5 năm Ngọc Điểm đạt 4-5 cây/kg đạt giá 500.000 đồng/kg (tính trung bình 100.000đồng/cây); còn lan Giả Hạt đạt 10 cây/kg giá bán 3 triệu/kg; thu nhập 1 vụ lan (1,5 năm) đạt lợi nhuận 1-1,2 tỷ; Trong một năm rưỡi đó, với vòng xoay 3 tháng/vụ. thu nhập cá dùng làm chi phí sinh hoạt.
Các thành viên Hội quán nông dân Phước Lại sinh hoạt cuối tuần. |
Anh Khiết cho biết thêm, hiện nay mỗi hộ thành viên Hội quán nông dân hiện đều có khoảng 1.000 m2 sản xuất theo mô hình trồng lan rừng xen nuôi cá. Với hiệu quả cao và ổn định, anh Nguyễn Hồng Phong, ấp Long Bào đã được các nhà đầu tư hùn hạp, thêm 8.000 m2 để phát triển sản xuất theo mô hình này bởi thị trường lan rừng đang vô cùng hút hàng.
Ông Nguyễn Văn Trầm, chủ tịch Hội nông dân Cần Giuộc cho biết, nhiều hộ nông dân trong huyện và tỉnh có triển khai mô hình trồng lan nhưng trồng lan rừng với các giống quý có giá trị cao như Ngọc Điểm, Giả Hạt, Thủy Tiên, Dendro… đan xen nuôi cá chỉ tập trung tại xã Phước Lại. Đặc biệt, xã có lập ra Hội quán nông dân với các hoạt động sinh hoạt định kỳ, chia sẻ kinh nghiệm rất quý.
Được biết, Hội quán không chỉ chia sẻ kinh nghiệm về lan hay cá mà cả các lĩnh vực khác của nghề nông như nuôi trồng thủy sản, lúa… Hội quán nông dân cũng là mô hình hoạt động hay của xã Phước Lại, Cần Giuộc.
Theo Phương chi/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn