Sáng 24.10, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN đã chủ trì hội thảo góp ý đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm do Bộ NN&PTNT phối hợp với Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, phải tập trung “Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân”.
Theo đó, Bộ NN&PTNN tập trung chỉ đạo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước hết tập trung vào 03 trục sản phẩm trụ cột nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm huyện-xã.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sẽ có 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 10 về thu nhập và 85% số xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất.
Khu trưng bày hội thảo góp ý đề án Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm |
Dự thảo đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” được xây dựng theo hướng mỗi xã tùy theo điều kiện của mình, lựa chọn ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của mỗi địa phương để phát triển. Đó có thể là những sản phẩm tiêu dùng như rau, hoa quả, đồ gỗ…; sản phẩm văn hóa, dịch vụ du lịch mang nét đặc trưng.
Những sản phẩm này phải kết hợp được các yếu tố địa lý, văn hóa, truyền thống của địa phương và được thị trường chấp nhận. Đồng thời, cần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh cao; thực hiện chuyển đổi sản xuất từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị; chuyển hướng tiến đến phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.
Việc quảng bá rộng rãi các sản phẩm đã được lựa chọn sẽ làm tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương. Từ đó tái đầu tư nâng cao chất lượng để đẩy mạnh khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức triển khai “Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm” phải đồng bộ trên mọi khía cạnh kinh tế, văn hoá, xã hội và phải có sự tham gia của cộng đồng để huy động các nguồn lực, từ tri thức, công nghệ, nguyên liệu địa phương, đến vốn góp, quản trị, quyết định các chiến lược phát triển. Cần thiết phải có sự tham gia đầy đủ của người dân - chủ nhân của quá trình phát triển ngành nghề nông thôn.
Sau đợt khảo sát đánh giá toàn quốc, đã có 63/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về thực trạng các sản phẩm của các địa phương với 4.823 sản phẩm có tiềm năng để tổ chức sản xuất trong Chương trình này.
Tuấn Anh/nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn