Ngày 12/4/2012 (Lâm Đồng), Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada (CIDA) tài trợ, tổ chức hội thảo khoa học trình diễn về mô hình sản xuất rau an toàn nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các kết quả điều tra, nghiên cứu về sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất một số loại rau tại Lâm Đồng đem lại năng suất cao, hiệu quả kinh tế và an toàn.
Đến dự hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệm &PTNT, Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản; đại diện các Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt, Trung tâm BVTV Miền trung, Cơ quan Quản lý chất lượng Trung bộ, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu rau quả; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Lãnh đạo Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, đại diện các Sở Công thương, Sở y tế Lâm Đồng, đại diện các chi cục, đơn vị liên quan thuộc Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng, đại diệnTrung tâm nông nghiệp huyện Đức Trọng, Đơn Dương, TP Đà Lạt, và đại diện các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương, BQL dự án, các Mô hình thí điểm sản xuất rau an toàn áp dụng VietGAP của dự án, đại diện một số Trang trại/Cơ sở/nông dân điển hình đang áp dụng GAP trên địa bàn tỉnh.
Mục đích của việc nghiên cứu và xây dựng Mô hình trình diễn sản xuất rau an toàn áp dụng VietGAP nhằm:
(1) Xác định cách thức sử dụng phù hợp (cách thức sử dụng được khuyến khích) một số loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng phổ biến nhất (ví dụ: thuốc trừ sâu, thuốc bệnh) và phân bón hóa học/hữu cơ tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm kiểm soát một số đối tượng sâu bệnh chính và tăng tối đa sản lượng cây trồng; đồng thời những công thức sử dụng thuốc BVTV và phân bón này sản xuất ra sản phẩm rau vẫn đảm bảo an toàn về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (mức tồn dư tối đa cho phép) và nitrat theo các quy định của Việt Nam.
(2) Trình diễn mô hình sản xuất cà chua, bắp cải, và rau xà lách tại đồng ruộng áp dụng phương thức sử dụng hợp lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đem lại năng suất, và giá trị kinh tế của áp dụng GPPs/VietGAP trong sản xuất rau thông qua phân tích quan hệ vốn-lãi phù hợp.
Kết quả của việc nghiên cứu này sẽ được sử dụng để chia sẻ chuyển giao kiến thức cho nông dân và các thành phần liên quan của các mô hình thí điểm thuộc Dự án FAPQDC, các trang trại, hộ nông dân trồng rau khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các địa phương khác có điều kiện sản xuất, khí hậu tương tự.
Theo Thucphamantoan