Theo Cục Thú y, trong giai đoạn từ 2003 đến 2007 ở nước ta đã có 5 đợt dịch lớn xảy ra; Tiếp đó, các năm sau dịch chỉ xảy ra nhỏ lẻ. Trong năm 2012 vẫn còn rải rác ở 296 xã thuộc 32 tỉnh, thành. Đặc điểm là dịch xảy ra không khốc liệt nhưng ở diện rộng với đặc thù là chủ yếu trên đàn vịt. Đặc biệt tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cho tới nay chỉ thấy có 1 loại chủng vi rút CGC, trong khi ở vùng Đông Nam Bộ hầu như không có dịch. Hiện tượng này cho đến nay vẫn chưa được giải thích.
Tuy nhiên do vi rút CGC biến đổi gen liên tục nên đã sinh ra các nhánh mới như nhánh 7, nhánh 2.3.2.1, sau đó nhánh này lại phân ra 3 loại 2.3.2.1 A, B và C làm cho vắc xin mất tác dụng bảo hộ. Điều này làm Cục Thú y hết sức vất vả trong việc lựa chọn vắc xin ứng phó với các nhánh vi rút mới, hậu quả là miễn dịch quần thể chỉ khoảng dưới 80%, Một nguyên nhân nữa là tình trạng gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc càng ngày càng nhiều và diễn ra công khai... khiến việc kiểm soát dịch bệnh trở nên rất phức tạp...
Tiêu hủy đàn vịt bị nhiễm CGC ở Quảng Ngãi
Cũng theo Cục Thú y (Bộ NN & PTNT), hiện ở Việt Nam có 3 cơ sở được phép sản xuất và cung ứng vắc xin trong nước là XN Sản xuất thuốc thú y Trung ương; Phân viện Thú y miền Trung và Cty TNHH một thành viên thuốc thú y NAVETCO (TP. HCM). Trong tương lai, Nhà nước có thể sẽ khuyến khích cả các tổ chức cá nhân nếu có công nghệ mới, hiện đại mà sản xuất được vắc xin phòng chống CGC. Tại Hội thảo, 2 Nhà sản xuất là Cty cổ phần Dược thú y Hanvet và Cty Cổ phần phát triển Công nghệ Nông thôn RTD đã rất quan tâm đến vấn đề này. Tại cuộc Hội thảo, các nhóm tư vấn đã thống nhất trình kế hoạch phòng chống dịch bệnh CGC cho Bộ Nông nghiệp và PTNT để Chính phủ phê duyệt. Theo đó, kế hoạch phòng chống CGC giai đoạn 2012-2017 sẽ được thực hiện khác nhau cho từng vùng có đặc điểm dịch tễ khác nhau; Nâng cao vai trò của các Cơ quan thú y vùng và các Chi cục Thú y trong công tác giám sát và phòng chống dịch.
Ngoài ra, Hội thảo cũng đề cao việc thực hiện an toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi. Các quy trình an ninh sinh học được phổ biến rộng rãi và thực hiện nề nếp thường xuyên trong nội bộ trang trại; tập huấn chăn nuôi theo VIETGAHP (thực hành chăn nuôi tốt), thực hiện ủ phân Compost diệt mầm bệnh thải ra môi trường, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát tình trạng gia cầm nhập lậu...