Tiếp nối những kết quả bước đầu
Tiếp nối những kết quả sau hai năm đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016-2020, trong năm 2018, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) phấn đấu cả nước có ít nhất 39% số xã (khoảng 3.500 xã) đạt chuẩn NTM, tăng khoảng 5% so với năm 2017; 54 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, tăng 10 đơn vị so với năm 2017…
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng đặt mục tiêu, trong năm 2018 giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; bảo đảm đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng 1,5 lần so với cuối năm 2015.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên nhiệm vụ trong tâm đặt ra trong năm 2018 là:
Thứ nhất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM và giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo sự chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động.
Thứ hai, đảm bảo nguồn lực cần thiết và thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án khác; hợp tác tư vấn kỹ thuật và vay vốn từ các đối tác phát triển quốc tế để thực hiện các chương trình.
Thứ ba, triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung được lồng ghép, tích hợp vào thực hiện các chương trình MTQG.
Thứ tư, sơ kết đánh giá 3 năm triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, qua đó xác định những mặt tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp thực hiện.
Thứ năm, hoàn thiện các bộ chỉ số theo dõi, giám sát; triển khai hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát trong thực hiện xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Thứ sáu, rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách hiện hành liên quan đến xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả truyền thông trong thực hiện các chương trình MTQG nhằm tạo sức lan tỏa hơn nữa trong xã hội.
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia
Xác định năm 2018 là năm bản lề thực hiện chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020, do vậy để thực hiện thành công chương trình này thì các cấp, các ngành cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tại các địa phương…
Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc đa dạng hóa các nguồn vốn theo hướng xã hội hóa; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn; mở rộng hợp tác công tư, xã hội hóa để thu hút đầu tư và bảo vệ, xử lý môi trường, giao thông, hạ tầng thương mại, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa – thể thao; công khai các khoản đống góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn vốn thực hiện hai chương trình MTQG. Kế hoạch ngân sách dành cho năm 2018 đối với hai chương trình MTQG là 212.024 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương dành 16.024 tỷ đồng cho hai chương trình MTQG, bao gồm: 11.050 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển; 4.974 tỷ đồng vốn sự nghiệp, cụ thể: Chương trình MTQG xây dựng NTM là 8.719 tỷ đồng, bao gồm 6.050 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp là 2.669 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 7.305 tỷ đồng, bao gồm 5 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp là 2.305 tỷ đồng.
Ngân sách địa phương đảm bảo cân đối và bố trí phần vốn đối ứng trên 26 nghìn tỷ đồng; vốn huy động xã hội hóa là trên 170 nghìn tỷ đồng.
Để thực triển khai hiệu quả nguồn lực trên, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG đề xuất một vài kiến nghị sau:
Một là, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Danh sách các huyện nghèo và thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, để làm căn cứ giao nguồn vốn thực hiện.
Hai là, giao các bộ chủ trương trình MTQG, các cơ quan chủ trì nội dung, dự án thành phần.
Ba là, Ban chỉ đạo các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xây dựng chương trình công tác triển khai các nhiệm vụ năm 2018 trong quý I/2018 và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương trong quản lý, điều hành và cung cấp thông tin báo cáo về tình hình triển khai kế hoạch.
Bốn là, UBND tỉnh, thành phố được giao nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu, khẩn trương phân bổ chi tiết nguồn vốn thực hiện theo quy định.
Năm là, các bộ phối hợp với các cơ quan chủ trì dự án thành phần tổ chức đánh giá giữa kỳ 3 năm triển khai chương trình MTQG; tăng cường công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ của từng chương trình MTQG.
Sáu là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc các địa phương đảm bảo bố trí nguồn lực, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2018…
Theo tapchitaichinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn