Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, đến ngày 18/2, 4 tỉnh đã giải ngân được 3.330/4.680 tỷ đồng Chính phủ đã tạm ứng cho 4 tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản phối hợp kiểm tra các tỉnh về công tác thanh quyết toán, đồng thời phối hợp với Bộ Y tế, Công Thương xử lý hải sản không an toàn. Các tỉnh đến nay cũng đã tiêu hủy được 839 tấn hải sản trên tổng số 966 tấn không đảm bảo an toàn.
Theo Tổng cục Thủy sản, trong hai tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản đạt 389.000 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy đạt 463.000 tấn, tăng 1,2%.
Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ chú trọng, tập trung chỉ đạo sản xuất 2 đối tượng chính là tôm, cá tra. Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giữ ổn định diện tích nuôi tôm khoảng 700.000 - 800.000 ha nhưng tập trung vào các giải pháp như thâm canh, quảng canh hợp lý, đi vào chuỗi giá trị, kiểm soát và mở thị trường để tạo đà tăng trưởng cho ngành tôm.
Theo ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng cục Thủy sản, Tổng cục sẽ sớm hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam theo đúng tinh thần Thủ tướng Chính phủ giao. Đó là trong tháng 3 trình Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển ngành tôm Việt Nam.
Theo đó, phát triển ngành tôm sẽ hướng vào 3 giải pháp chính. Đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất theo chủ trương không tăng diện tích, chỉ tăng năng suất. Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng năng suất trong nuôi thâm canh công nghiệp đối với vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng nuôi công nghiệp tập trung. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng ở các vùng nuôi quảng canh. Hiện năng suất ở những vùng nuôi tôm quảng canh mới chỉ 300 - 400 kg/ha, với việc ứng dụng khoa học công nghệ có thể tăng lên 700 - 1.000kg/ha. Như vậy ngành tôm có thể đạt được sản lượng nhờ tăng năng suất.
Bên cạnh đó tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để kiểm soát được chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm để có sản phẩm xuất khẩu đảm bảo chất lượng; tiếp tục công nhận và thực hiện sản xuất các tiêu chuẩn quốc tế để mặt hàng tôm có thể xuất khẩu dễ dàng sang các thị trường quốc tế. Tiếp tục hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường, đàm phán, ký kết hợp tác thương mại với các nước tháo gỡ rào cản về kỹ thuật… để tôm Việt Nam có thể xuất khẩu vào các thị trường mới.
Về cá tra, Tổng cục Thủy sản sẽ giải quyết câu chuyện về giống, đảm bảo đủ giống và chất lượng giống phải tốt.
Bích Hồng (TTXVN)