Nhiều hợp tác xã áp dụng mô hình trồng rau sạch trong nhà kính |
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5/12/2017, năm 2019, Sở NN&PTNT thực hiện hỗ trợ 20 HTX Nông nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với các máy cày, máy cấy, máy làm xúc xích và máy bảo quản.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX đã tổ chức sản xuất hoặc hướng dẫn hộ thành viên sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn ATTP, xây dựng nhãn hiệu, 46 HTX đăng ký chương trình xây dựng truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông sản bằng tem điện tử QRcode.
Đáng chú ý, thông qua chính sách hỗ trợ, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có trên 60 HTX áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, hữu cơ...
Hiện đã có 43 HTX nông nghiệp gắn sản xuất với chuỗi giá trị bền vững tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, như: HTX Cuối Quý trồng rau hữu cơ nhà kính, lựa chọn giống chất lượng cao nhập từ Đài Loan, kỹ thuật xử lý gia nhiệt để triệt mầm bệnh trong đất trước khi gieo trồng, chất lượng rau được người tiêu dùng đánh giá cao; HTX Gạo hữu cơ Đồng Phú sản xuất từ giống lúa nguyên chủng Bắc thơm số 7 theo tiêu chuẩn Pamci của Nhật Bản, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, đất sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đồng thời xa khu dân cư, nghĩa trang, nguồn nước sản xuất được lọc qua than hoạt tính, giá trị gạo tăng gấp 2 lần so với mặt bằng chung.
Một số HTX trên địa bàn thành phố cũng đã áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, như: HTX Hoa lan Đan Hoài đã thuê hơn 3ha đất đầu tư nhà kính trồng hoa lan hồ điệp với kinh phí đầu tư 2,5 - 3 triệu đồng/m2. HTX này đã xây dựng thương hiệu hoa Flora giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản lượng hiện nay đạt 1 triệu cây lan/năm. HTX Công nghệ cao Thăng Long sản xuất chế phẩm sinh học hữu cơ cung cấp cho nhiều tỉnh thành lân cận, đã thuê 15ha đất ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để trồng cam, thuê 5 ha đất bãi sông hồng trồng chuối tiêu hồng (giống Thái Lan) xuất khẩu, thuê 1 ha đất ở huyện Hoài Đức nuôi cá chép bể với năng suất 5 tạ/ha; HTX Rau củ quả Hồng Thái đầu tư 2ha nhà kính trồng măng tây xanh với công nghệ tự động, sản phẩm được tiêu thụ tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, là mô hình sản xuất bước đầu đạt hiệu kinh tế quả cao, thời gian tới HTX tiếp tục mở rộng thêm 3 ha.
Không chỉ có vậy, một số HTX sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Đơn cử mô hình HTX xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến, lưu thông và phân phối, bước đầu các HTX đã có hiệu quả do tự kiểm soát được chất lượng sản phẩm của tất cả các khâu đến tay người tiêu dùng.
Tiêu biểu như: HTX Hoàng Long thành viên góp đất 5 ha xây dựng khu chăn nuôi khép kín, tổng kinh phí đầu tư khoảng 60 tỷ đồng. HTX đã tổ chức sản xuất thức ăn chăn nuôi diện tích 720 m2, chăn nuôi lợn giống, lợn thịt (lợn ông bà 80 con, lợn bố mẹ 335 con, lợn thịt 3.600 con), khu xử lý chất thải ngoài hàng rào khu vực chuồng trại khoảng 2,8 ha. Bên cạnh đó, HTX tổ chức giết mổ, làm mát, cấp đông, chế biến sản phẩm từ thịt như: giò, chả, xúc xích... với nhãn hiệu thịt lợn sinh học A-Z.
Hoặc HTX Nông trại xanh Ba Vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 13 thành viên, đã thuê 25 ha đất của Trung tâm Nghiên cứu bò và Đồng cỏ Ba Vì để nuôi bò sữa, sản lượng sữa đạt khoảng 800.000 lít/năm. HTX sản xuất 8 sản phẩm từ sữa, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng/năm, thị trường tiêu thụ Hà Nội, Đà Nẵng, Thái Bình...
Theo Vĩnh Hoàng. chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn