Cần bảo vệ sức khỏe nông dân
Một cuộc khảo sát mới đây của Bộ Tài nguyên- Môi trường cho thấy, có tới 96,6% nông dân sử dụng hóa chất BVTV quá mức và không tuân theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn; chỉ có 4,8% nông dân biết cách tiêu huỷ đúng cách hóa chất bỏ đi.
Hầu hết nông dân sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. |
Bên cạnh đó, có gần 95% số nông dân đổ các bình phun hóa chất còn thừa vào các rãnh, mương, phun vào các loại cây khác hoặc tiếp tục sử dụng đến hết. Khảo sát này cũng cho thấy, chỉ có 38,1% nông dân chôn bao bì hóa chất BVTV và gói chúng sau sử dụng, nhiều người khác vùi bao bì tại các cánh đồng, vào các kênh, rãnh, mương, ao hoặc bán cho người thu gom phế liệu hoặc sử dụng vào mục đích khác.
Do đó, theo đánh giá, Việt Nam gần như chắc chắn là nước có số vụ và tỷ lệ dân số lớn bị ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng do tiếp xúc với POP. Bởi sản xuất nông nghiệp hiện sử dụng tới hơn 2/3 lực lượng lao động ở Việt Nam và 1/3 giá trị xuất khẩu. Vì thế, việc loại bỏ hóa chất BVTV POP có tác động làm tăng khả năng sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp do giảm ảnh hưởng đến sức khoẻ nông dân.
Hiện tại, trong khuôn khổ của Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hoá chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam”, một số chương trình đã được triển khai như: Tập huấn cho cán bộ hải quan, nâng cao năng lực trong việc phòng ngừa và ngăn chặn việc nhập lậu hóa chất BVTV. Rà soát và xây dựng các dự án về quản lý tổng hợp/vòng đời hóa chất BVTV...
Tuy nhiên, theo nhận định, để thực hiện chương trình này được toàn diện, chúng ta cần phát triển bền vững các chiến lược, chính sách, khung pháp lý và các kế hoạch dài hạn về Luật Môi trường được xây dựng với sự tham gia rộng rãi của người dân địa phương cùng các bên liên quan và thống nhất với các công ước môi trường quốc tế nhằm loại bỏ POP.
Việc xử lý còn phức tạp
Các kết quả khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết hoá chất BVTV đã bị phát tán ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm đất và nước tại khu vực xung quanh. Vì vậy, việc xử lý hoá chất BVTV POP tồn lưu đã phức tạp hơn nhiều, bao gồm cả việc xử lý hoá chất BVTV POP trong kho và xử lý lượng hoá chất đã phát tán ra môi trường.
Bên cạnh đó, công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng là công nghệ duy nhất xử lý hoá chất BVTV POP được cấp phép tại Việt Nam với giá thành xử lý cao, chỉ có thể ứng dụng để tiêu huỷ hoá chất nguyên bao hoặc đậm đặc. Với vùng đất ô nhiễm nên áp dụng các biện pháp khác để xử lý như xử lý vi sinh hoặc trồng cây.
Do vậy, các nhà nghiên cứu đã đưa ra đề xuất cần: Cải thiện khung pháp lý và quy định cũng như nâng cao nhận thức của nông dân và công chúng nói chung. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là năng lực của các cơ quan chức năng chính chịu trách nhiệm hợp tác hành động về POP (Bộ TNMT) và cưỡng chế thi hành luật, quy định liên quan tới nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) và sử dụng (Bộ NNPTNT) hóa chất BVTV là không tương xứng. Điều này dẫn tới việc lưu giữ hoá chất nguy hại không hợp lý gây ô nhiễm khu vực lưu giữ và môi tường xung quanh.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn