HTX CN Dệt Triều Khúc vẫn sử dụng máy dệt cũ của thập niên 1960.
“Bình mới” nhưng vẫn “rượu cũ”
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Vĩnh Ninh xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì -Hà Nội) hoạt động theo Luật HTX mới từ năm 2014, gồm 19 thành viên. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc, ông Nguyễn Phạm Loạn, cho biết: Khi chưa chuyển đổi, HTX có 2.350 hộ xã viên, hoạt động mang tính xã hội nhiều hơn hoạt động kinh tế. Sau chuyển đổi có 222 xã viên góp vốn, ít nhất 500.000đồng/người; lãnh đạo 1.500.000 đồng/người. Đã góp được 118 triệu đồng, cộng với sự hỗ trợ của huyện gần 1tỷ đồng để mua máy móc phục vụ sản xuất.
Có thể nói, sau khi thay đổi công cụ sản xuất, sức lao động, tiền công giảm rõ rệt, từ cày, cấy, đến gieo mạ, làm đất (công gặt giảm 50% so gặt thủ công). Nhà nhiều nhất có 10 sào ruộng, hộ ít nhất 9 thước cũng vào HTX, bà con thấy lợi thì vào. Cái được của HTX là cả xã viên và nông dân đều được hưởng dịch vụ này. Do không mở mang thêm các ngành nghề khác, nên lương xã viên thấp, khoảng 800.000 đồng/người/tháng, Ban quản trị 1.150 đồng/người/tháng. Cộng với cổ tức 50.000 đồng/người/năm, ngoài ra không còn nguồn thu gì thêm. Như vậy, không những trước đây mà ngay cả bây giờ, HTX cũng đang làm công tác xã hội (ổn định cày cấy là chính), bởi các dịch vụ nông nghiệp khó có thể thu cao được.
Nằm liền kề với Vĩnh Ninh là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ích Vịnh, cũng đã hoạt động theo Luật mới, song mức lương còn “ảm đạm” hơn, chỉ 200.000 đồng/người/tháng.
Không riêng gì Hà Nội, các HTX nông nghiệp ở Bắc Giang cũng đồng cảnh ngộ. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến, thị trấn Chũ (Lục Ngạn), ông Đặng Công Sơn, cho biết, HTX ra đời từ năm 1960, với tên gọi HTX Nông nghiệp Quyết Tiến. Năm 1998, chuyển đổi thành HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến; năm 2015, hoạt động theo Luật mới và giữ nguyên tên gọi. HTX có 151 xã viên, trong đó có 10 thành viên đảm nhận các dịch vụ: thủy lợi, phân bón, thuốc BVTV, lúa giống… Ngoài ra, còn có của “để dành” 100 triệu đồng tín dụng nội bộ. Lương xã viên 400 - 500.000 đồng/người/tháng và chỉ làm việc theo lịch thời vụ (4- 5 ngày/tháng). Mức lương, ngày công như trên không có gì bàn cãi, song điều chúng tôi muốn nói ở đây là, nếu chỉ làm dịch vụ nông nghiệp, quanh quẩn bên cây lúa thì hoạt động của HTX rất đơn điệu, tẻ nhạt và thu nhập thấp là điều đương nhiên.
Tương tự như HTX nông nghiệp, các HTX nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do cả chủ quan lẫn khách quan. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp An Thịnh xã Phùng Lãng (Quế Võ - Bắc Ninh), cho biết, HTX thành lập năm 2011, chuyển sang Luật mới năm 2014, có 22 cổ đông/10 hộ gia đình góp vốn (50 triệu đồng/người). HTX có 27ha nuôi cá (ngoài ra còn nuôi vịt, lợn, trâu, bò), nhưng đầu ra không ổn định và luôn bị ép giá. Nguyên nhân do nước sông Cầu bị ô nhiễm, vì đầu nguồn có bãi rác thải của cả tỉnh Bắc Ninh đổ về, nên cá chết quanh năm. Đây cũng là nguyên nhân để tư thương ép giá, mặc dù cá thị trường 70.000 đồng/kg, song của HTX chỉ 50.000đồng/kg; giá cá thấp nhưng giá thức ăn luôn tăng. Cá chết không những do ô nhiễm nguồn nước mà còn do nguồn điện. Điện yếu, không đủ để sục khí, mỗi ngày mất 1-2 tạ cá là chuyện bình thường (thậm chí có thời điểm bị xóa sổ). Vì những lý do trên nên lương xã viên thấp, 2 triệu đồng/người/tháng.
Chủ nhiệm HTX Công nghiệp Dệt Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì - Hà Nội), ông Nguyễn Hữu Quy, cho biết, HTX ra đời từ những năm 60 của thế kỷ trước, với tên gọi ban đầu HTX Dệt Triều Khúc, chuyển sang HTX cổ phần năm 1998. Năm 2015, hoạt động theo Luật mới với tên gọi như ngày nay. Thời kỳ thăng hoa của HTX là những năm bao cấp, do ký được nhiều hợp đồng với các nước Đông Âu cũ. Sau khi đất nước mở cửa, Triều Khúc chuyển sang dệt băng phù hiệu, cấp hiệu; dây mũ kepi cho công an, quân đội. Thời gian gần đây còn sản xuất các mặt hàng dân sự, hải quan. Thị trường là các địa phương trên cả nước và các nước bạn Lào, Campuchia. Hoạt động theo Luật mới, Triều Khúc có thuận lợi là vẫn duy trì được mối quan hệ với khách hàng trong nước và quốc tế trên 30 năm nay. Song, trong cơ chế thị trường phải cạnh tranh khốc liệt, HTX không đủ lực, miếng “bánh” đã mất đi một nửa. Điều đáng nói là, các sản phẩm và những địa phương HTX quan hệ nói trên cũng là những mặt hàng và thị trường độc quyền của HTX. Vì thời gian này, chưa đơn vị nào trên cả nước sản xuất các sản phẩm như Triều Khúc.
HTX Công nghiệp Dệt Triều Khúc hiện có 140 xã viên, bình quân thu nhập 2,2 - 2,3 triệu đồng/người/tháng. Nguyên nhân để HTX chưa vào tốp có lãi là tuổi trung bình của xã viên cao, 40 – 45 tuổi (trong đó nữ chiếm 70%). Tay nghề thấp, mẫu mã đơn điệu, phương thức sản xuất lạc hậu; đến nay vẫn dệt thủ công và làm theo kinh nghiệm của cha ông mình ở thập niên 1960. Sau khi cổ phần, HTX cũng “cả nể” không mạnh dạn đổi mới công nghệ, vì “sợ” máy móc sẽ thay chân người lao động lớn tuổi. Mặt khác, Tân Triều là địa phương nằm sát nội thành Hà Nội, người dân không thiếu việc làm, hầu như gia đình nào cũng có nhà trọ cho thuê nên xã viên chỉ “chân trong, chân ngoài”.
“Bình mới” nhưng “rượu” vẫn cũ, chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012, HTX chỉ làm một động tác nhỏ để đổi mới là thêm từ “công nghiệp” vào tên gọi để phân biệt với HTX kiểu cũ. Còn yếu tố chính là con người, máy móc, phương thức sản xuất vẫn giữ nguyên (vẫn là máy dệt thủ công của thập niên 1960). Xã viên tự hài lòng với công việc của mình, thiếu sự “bùng nổ”, đột phá, đến khi mất thị phần mới bừng tỉnh thì đã muộn.
Nên “khai tử” top không hiệu quả
Sau khi khảo sát một số địa phương các tỉnh phía Bắc (Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội), chúng tôi thấy đa phần đồng ý kiến trong việc đánh giá mặt được, chưa được của HTX khi chuyển sang hoạt động theo Luật 2012 và hướng giải quyết các HTX làm ăn không hiệu quả.
Phó trưởng phòng Nông nghiệp Văn Yên (Yên Bái), ông Đỗ Quang Trung, cho biết, toàn huyện có 55 HTX, tổ HTX; trong đó có 3 HTX dịch vụ quế, 20 HTX dịch vụ nông nghiệp; còn lại là tổ HTX kinh doanh theo hộ gia đình, nghĩa là họ đảm nhận công việc sản xuất, kinh doanh, thu gom quế tung ra thị trường từ A – Z. Ngoại trừ 3 HTX dịch vụ quế làm ăn có lãi, còn lại các HTX, nhất là 20 HTX nông nghiệp, mặc dù đã chuyển sang hoạt động theo Luật mới, nhưng vẫn ì ạch, làm ăn kém hiệu quả.
Liên minh HTX Bắc Giang cho biết, tỉnh có 563 HTX đang hoạt động, trong đó 212/563 HTX xếp loại khá; 290/563 trung bình; 61/563 yếu kém; năm 2014 có 3 HTX giải thể. Hướng giải quyết các HTX ngừng hoạt động, hoạt động kém hiệu quả là tuyên truyền, vận động các HTX tổ chức lại hoạt động theo Luật mới, hoặc tự nguyện giải thể. Nếu không tổ chức lại hoạt động theo Luật mới, cũng không tự nguyện giải thể thì Liên minh hướng dẫn các địa phương làm thủ tục giải thể bắt buộc.
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội), bà Tuyết Anh, cho biết, huyện có 60 HTX, trong đó 38 HTX nông nghiệp, thủy sản; 22 HTX phi nông nghiệp. Các HTX đơn thuần dịch vụ nông nghiệp đang dừng lại ở tính chất phục vụ là chính, hầu như không có lãi và phải bù lỗ. Trong số 22 HTX phi nông nghiệp, số HTX có lãi đếm trên đầu ngón tay. Nhìn chung, hoạt động của các HTX gặp nhiều khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm; giá vật tư, nhân công tăng; thị trường thu hẹp, doanh thu giảm. Năm 2015, thành lập mới 2 HTX, giải thể tự nguyện 1 HTX. Cũng trong năm này có 10,17% HTX xếp loại tốt; 16,95% khá; 55,93% trung bình; 16,59% yếu.
Nguyên nhân dẫn đến các kết quả trên thì có nhiều, song tựu chung lại, do công tác tuyên truyền văn bản pháp luật về HTX kiểu mới chưa thường xuyên, sâu rộng. Nhận thức về hoạt động theo Luật mới chưa thấu đáo, vẫn còn quan điểm hoạt động như HTX truyền thống trước kia. Các HTX dịch vụ nông nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư chiều sâu để đổi mới. Chưa có các dịch vụ tiêu thụ, chế biến sản phẩm nông nghiệp đột phá. Các HTX lĩnh vực CN – TTCN gặp khó do thiếu đầu ra, công nghệ lạc hậu, chủ yếu là gia công sản phẩm phụ.
Những nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là một số chính sách của Nhà nước đã ban hành, nhưng các bộ, ngành chưa có hướng dẫn thực hiện. Nhiều chính sách chưa thực hiện đúng quy định như: thuế thu nhập doanh nghiệp với HTX nông nghiệp; hỗ trợ HTX nông nghiệp có đất làm trụ sở và xây dựng trụ sở các xã. Sự vào cuộc của chính quyền cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động HTX chưa quyết liệt. Chính sách hỗ trợ công tác quản lý HTX chưa đáp ứng nhu cầu củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX. Nhiều HTX chưa có trụ sở riêng; Ban quản trị HTX chưa năng động đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, mở rộng khai thác dịch vụ…
Điều không thể bỏ qua nữa là trình độ, năng lực cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đa số HTX chưa thu hút, huy động được nguồn lực về con người, vốn; cán bộ chưa yên tâm làm việc cho HTX. Nhiều HTX nông nghiệp chưa xây dựng được đề án hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Thành viên HTX chưa coi “HTX là nhà, xã viên là chủ”, nặng tư tưởng ỷ lại, bao cấp nên gặp khó trong hoạt động. Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực kinh tế tập thể còn chồng chéo, Luật HTX mới ra đời đã hơn 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất cơ quan quản lý HTX...
Theo Dương An Như/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn