Mô hình HTX chuyên trồng cây dược liệu xã Hải Châu (Hải Hậu-Nam Định) giúp nhiều hộ nông dân địa phương làm giàu.
Theo ông Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, ngoài 182/323 HTX NN cũ của tỉnh đã chuyển đổi hoạt động theo luật mới, từ cuối năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có 28 HTX được thành lập mới, trong số này có 20 HTX được thành lập trong năm 2015, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành nghề nông thôn…
Khác biệt là so với các HTX cũ, các HTX mới thành lập có số thành viên rất ít, thấp nhất là 7 thành viên (tối thiểu theo luật), cao nhất cũng chỉ hơn 30 thành viên. Số vốn điều lệ các HTX này đăng ký phổ biến từ 1 đến 6 tỷ đồng. Đặc biệt, lĩnh vực đăng ký hoạt động của các HTX này khá chuyên sâu. Đơn cử, HTX Long Hải (Nam Cường-Nam Trực) chỉ chuyên việc trồng rau và trồng hoa; HTX Nhật Bằng (Trực Thái-Trực Ninh) chỉ chuyên trồng, sản xuất các loại nấm ăn và nấm linh chi; HTX Minh Châu (thị trấn Thịnh Long-Hải Hậu) lại chỉ chuyên cung cấp dịch vụ cày bừa, làm đất, bảo vệ thực vật, thu hoạch, cho thuê máy nông nghiệp.
Điều này cũng rất phù hợp với mong muốn của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong lần ông về khảo sát thực tế hoạt động của các HTX tại Nam Định. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân một trong những vấn đề cần tính đến hiện nay là tổ chức các HTX với quy mô như thế nào cho phù hợp? Như ở Nam Định, hầu hết các HTX NN sau chuyển đổi có số thành viên bình quân lên đến 1.200 người, quá lớn, rất khó cho việc quản lý, điều hành, chỉ riêng việc phổ biến chủ trương, kế hoạch của HTX đến các thành viên đã rất khó khăn. Việc đến nay vẫn có thành viên thắc mắc “HTX lập ra là kinh doanh sao lại bắt chúng tôi góp vốn?” chính là vì nguyên nhân này, trong khi đây là quy định của Luật HTX năm 2012.
“Cần tiến tới trong cùng một xã có thể có nhiều HTX với quy mô vừa phải, sản xuất, kinh doanh, cung cấp những dịch vụ chuyên biệt nhưng chất lượng, hiệu quả, khi cần có thể liên kết, hỗ trợ nhau trong làm ăn”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Tìm hiểu tại HTX Vạn Trường Xuân (Hiển Khánh-Vụ Bản), thành lập cuối năm 2014, chúng tôi được biết HTX ra đời xuất phát từ nhu cầu, mong mỏi của những Cựu chiến binh “mê” làm kinh tế trang trại ở địa phương. Theo ông Triệu Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX, quãng năm 2012-2013 chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Thua lỗ, hầu hết các trang trại trong xã phải “treo chuồng”. “Đọc Luật HTX mới, nghe đài, đọc báo chúng tôi “vỡ ra” sở dĩ làm ăn không hiệu quả là do chăn nuôi, sản xuất cùng một cây, con; trên cùng một địa bàn mà chúng tôi không biết liên kết lại để hỗ trợ nhau, cứ mạnh ai nấy làm. HTX ra đời xuất phát từ nhu cầu này”, ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, được cấp ủy, chính quyền xã động viên, khích lệ, Liên minh HTX tỉnh, Hội CCB tỉnh nhiệt tình cử cán bộ tư vấn, giúp đỡ, sau một thời gian, dù rất khó khăn, cuối cùng các ông cũng “khai sinh” được HTX theo đúng các quy định của luật. Hiện HTX có 32 thành viên là gia đình các cựu chiến binh đang làm kinh tế trang trại, gia trại ở địa phương. Toàn HTX có tổng cộng 43,6 ha đất sản xuất, trong đó có 24 ha cấy lúa, 2,7 ha làm chuồng trại chăn nuôi, 16,7 ha ao thả cá…
Hiểu rõ HTX lập ra nhằm liên kết, hỗ trợ các thành viên, hiệu quả sản xuất của các thành viên là “thước đo” hiệu quả của HTX nên từ khi thành lập đến nay, trong khả năng của mình, làm được những gì cho các trang trại thành viên HTX đều “xắn tay” làm. Một trong những hoạt động thiết thực đầu tiên của HTX, theo ông Sơn là định hướng sản xuất cho các trang trại, gia trại thành viên.
“Qua đài báo, qua tư vấn của chuyên gia chúng tôi biết nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại với thế giới, hội nhập sâu rộng với khu vực. Nông sản trong nước do vậy sẽ bị cạnh tranh, ví như thịt bò sẽ phải cạnh trạnh với sản phẩm cùng loại của nước láng giềng Campuchia hay gà trắng giờ không còn được ưa chuộng. Từ đó HTX định hướng cho các thành viên điều chỉnh, không tập trung quá vào con bò, con gà trắng mà đầu tư mạnh cho con gà màu”, ông Sơn cho hay.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, HTX cũng đã đứng ra làm đầu mối, bảo lãnh cho các trang trại, gia trại thành viên vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT huyện Vụ Bản. Theo ông Sơn, trong số 1,2 tỷ đồng các trang trại thành viên đầu tư xây dựng, củng cố chuồng trại vừa qua có 750 triệu đồng do HTX đứng ra bảo lãnh vay. HTX cũng đã trích ra 180 triệu đồng từ nguồn huy động cho một số trang trại thành viên gặp khó khăn vay đầu tư mua giống; ứng vốn trả tiền vật tư cho thành viên khi cần…
Đặc biệt, theo ông Sơn, thời gian qua HTX luôn chú trọng việc cung cấp vật tư đầu vào cho các thành viên và tìm đầu ra cho sản phẩm, như lời ông, “không làm được hai việc này, HTX sẽ mất điểm với thành viên”. Theo đó, HTX đã thành lập hai tổ dịch vụ gồm tổ cung ứng vật tư và tổ thị trường. Trong đó, đã đứng ra ký hợp đồng với 6 DN cung cấp phân bón, thức ăn, gà giống, lúa giống cho các trang trại. “Mua số lượng lớn nên chúng tôi được các DN giảm giá. Theo cách này, thời gian qua 31 trang trại đã giảm được 5-10% chi phí vật tư đầu vào so với trước khi vào HTX”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, điều các ông lo nhất hiện nay là làm kinh tế thì phải có kiến thức quản lý, kiến thức thị trường trong khi cả hai yêu cầu này các ông đều đang thiếu. Chính vì vậy, những cán bộ tham gia xây dựng, phát triển HTX kiểu mới như ông mong muốn được tỉnh, huyện hỗ trợ bằng việc cho theo học các lớp bồi dưỡng. Theo ông Sơn, những HTX như của các ông cũng rất mong được tiếp cận với các nguồn vốn vay một cách thuận lợi. Đặc biệt, theo vị Chủ tịch HĐQT HTX: Nhà nước cần có cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện để mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi phát triển, qua đó những HTX như Vạn Trường Xuân có cơ hội trở thành mắt xích, đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
“Chúng tôi đã được nghe nhiều về mô hình sản xuất theo chuỗi nhưng trên thực tế chưa thấy xuất hiện ở địa phương”, ông Sơn nhìn nhận.
Trần Duy Hưng
http://daidoanket.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn