Hiện nay, cả nước có gần 11.000 hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 4 triệu thành viên. Sau 5 năm thi hành Luật Hợp tác xã 2012, chất lượng hợp tác xã đã có nhiều chuyển biến. Số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả tăng từ 10% vào năm 2014 lên 33% cho tới nay. Tuy nhiên, vấn đề nhiều người quan tâm lại không phải số lượng mà là chất lượng hợp tác xã và việc giải quyết đầu ra các thành phẩm của người nông dân.
Ông Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhận định: "Thực tế số lượng hợp tác xã ở Việt Nam trong 4-5 năm qua tăng 600-700. Nhưng trong thời gian đó, 2.000 hợp tác xã hoạt động không hiệu quả đã bị giải thể. Hiện tại, có thể thấy với đặc thù của hợp tác xã kiểu mới, thành công không chỉ dựa theo mỗi đầu vào mà dứt khoát phải giải quyết được khó khăn cho nông dân, đó là nhu cầu đầu ra, tiêu thụ sản phẩm. Vì thế, các hợp tác xã trong giai đoạn này gần như vừa là điều kiện vừa là yêu cầu bắt buộc, tức là muốn thành công buộc phải tham gia vào chuỗi giá trị nhất định để sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân".
Còn với ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, việc liên kết sản xuất cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng giúp đáp ứng được các yêu cầu. Ông nhấn mạnh: "Hiện nay, Liên hiệp đang liên kết với trên 200 hợp tác xã. Khi tham gia chuỗi liên kết, họ yên tâm sản xuất, đầu ra ổn định và giá cả ổn định. Đó là những điều bà con nông dân được hưởng lợi. Nhưng qua thời gian triển khai, chúng tôi còn thấy ở đâu có sự quan tâm của chính quyền địa phương đến nông dân, hợp tác xã thì ở đó sẽ phát triển, tư duy sản xuất cũng tốt hơn".
Theo vtv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn