Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng nông sản bên lề Hội nghị. Ảnh: Minh Phúc |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.
Năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Không những cung ứng dịch vụ, sản phẩm cho thị trường trong nước, nhiều hợp tác xã đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu.
Hội nghị được tổ chức với nhiều đầu cầu trên khắp cả nước. Ảnh: Minh Phúc |
Sự liên kết, hợp tác giữa HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp hợp tác xã chưa được phát huy. Bên cạnh đó, nguồn lực và cơ chế hỗ trợ kinh tế tập thể còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Việc hình thành và phát triển các HTX nông nghiệp là con đường tất yếu. Bởi, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của nước ta rất nhỏ, phải có tổ chức để liên kết các hộ sản xuất, liên kết với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị của từng ngành hàng, hướng đến xuất khẩu”.
Nhờ đó, đến nay, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong những quốc gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển HTX là con đường tất yếu. Ảnh: Minh Phúc |
Mặc dù đang có một “làn sóng” doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nhưng người đứng đầu Bộ NN-PTNT, cho rằng: “Đừng trông mong các doanh nghiệp lớn kết nối trực tiếp với hơn 6 triệu hộ nông dân. Bởi, dù tiềm lực kinh tế của họ có lớn đến đâu, kinh nghiệm quản trị giỏi đến mức nào cũng không thể thay thế được vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX”. Trước đây, mỗi năm chúng ta thành lập mới khoảng 300 - 400 HTX, nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, mỗi năm có khoảng 2.000 HTX mới ra đời.
“Điểm mừng nhất là tất cả vùng kinh tế - xã hội đều có mô hình HTX kiểu mới. Càng những vùng kinh tế khó khăn càng thành lập nhiều HTX kiểu mới. Riêng tỉnh Sơn La có hơn 800 HTX, thậm chí có huyện thành lập 30 - 40 HTX/năm, ông Bí thư Huyện ủy say sưa vận động các nhóm hộ kinh doanh hình thành tổ chức kinh tế tập thể”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ.
Không chỉ gia tăng về số lượng, trình độ quản trị và hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng được nâng cao. Nhiều ông Giám đốc HTX có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Tuy nhiên, theo Tư lệnh ngành NN-PTNT, với tổng số khoảng 14.800 HTX như hiện là quá ít để liên kết với 6 triệu hộ nông dân. Việc phát triển các HTX và tổ hợp tác tại các địa phương không đồng đều. Bởi vậy, thời gian tới cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, thậm chí nghiên cứu chính sách đặc thù cho các HTX nông nghiệp, bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo: Minh Phúc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn