Giúp nông dân tiếp cận nhanh công nghệ cao
Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà màng trồng dưa lưới rộng hơn 1.000m2 tại Khu nông nghiệp công nghệ cao (CNC) TP Hồ Chí Minh (AHTP), ông Ngô Văn Toàn, Phó tổng giám đốc Công ty Global CyberSoft (GCS) chia sẻ: “Những trái dưa lưới nặng trĩu sắp thu hoạch này đều được chăm sóc hoàn toàn tự động qua việc ứng dụng CNTT bằng công nghệ SmartAgri. Trước đây, việc xem xét nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng cho cây trồng hoàn toàn được thực hiện bằng con người và chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, với phần mềm này, tất cả sẽ được thực hiện một cách tự động thông qua các hệ thống chíp cảm biến được gắn ở một số vị trí trong nhà màng”.
Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, ông Từ Minh Thiện, Phó ban quản lý AHTP cho biết thêm: SmartAgri do Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp với GCS và AHTP thực hiện. SmartAgri là hệ thống ứng dụng CNTT nhằm tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi. Với việc áp dụng hệ thống quản lý bằng CNTT cho phép người nông dân lập kế hoạch và tính toán chi phí, doanh thu trên từng mùa vụ một cách chính xác nhất. Đồng thời, thiết lập một hệ sinh thái tương tác giữa nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và thu mua để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cũng như bao tiêu đầu ra sản phẩm... hạn chế tối đa nhân công. SmartAgri đã được thử nghiệm tại AHTP từ cuối tháng 12-2015 với cây dưa lưới. So với phương pháp trồng truyền thống, sản lượng dưa lưới tăng khoảng 10% trên cùng một diện tích, chất lượng dưa cũng đồng đều, bảo đảm chất lượng hơn.
Việc ứng dụng CNTT vào nông nghiệp không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà tại Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương… cũng có những dự án triển khai, bước đầu đạt hiệu quả tích cực. Ông Từ Minh Thiện cho biết thêm: “Trong tương lai, AHTP sẽ cùng với QTSC, GCS hướng tới triển khai ứng dụng CNTT, áp dụng hệ thống quản lý SmartAgri cho những thửa đất canh tác ở ngoài trời, chứ không chỉ dừng lại ở các nhà màng như hiện nay. Khi ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, người nông dân, các nông trại sẽ có cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tối giản chi phí sản xuất. Họ cũng sẽ quản lý quá trình sản xuất tốt hơn, đúng theo các tiêu chuẩn thông dụng hiện nay như: VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ cho việc xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu”.
Cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp
Theo các chuyên gia, nước ta có những thuận lợi cho việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào nông nghiệp. Tỷ lệ nông dân sử dụng điện thoại di động cao, kết nối internet cáp quang đến tận tuyến xã... Nông dân tại các vùng chuyên canh lớn cũng có ý thức ứng dụng công nghệ, nhất là CNTT vào quá trình canh tác, chăn nuôi. Tuy nhiên, những khó khăn của việc ứng dụng CNTT là trình độ dân trí ở nông thôn còn thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư vào nông nghiệp, nguồn vốn hạn chế là một trong những yếu tố ngăn cản doanh nghiệp nông nghiệp trong nước tiếp cận CNC…
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng: “Nông nghiệp ứng dụng CNC đang là yêu cầu tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp đang có thực trạng, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng. Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp bền vững, cần hơn nữa công tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC và giải được “bài toán” liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông”.
Tại hội thảo ứng dụng CNTT trong nông nghiệp vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận định, CNTT không tác động trực tiếp lên giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhưng tác động gián tiếp và đem lại lợi ích lâu dài. Nếu áp dụng CNTT vào sản xuất, phân phối sản phẩm nông nghiệp một cách hệ thống, đúng hướng thì kết quả thu được là rất lớn trên nhiều mặt, không chỉ là gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hay tăng năng suất lao động, tiến tới nền nông nghiệp điện tử. Tuy nhiên, hiện nay nước ta đang thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng CNTT cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho rằng: Kế hoạch ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn phải quan tâm tới việc đào tạo về CNTT cho đội ngũ kỹ sư nông nghiệp. Họ sẽ giúp lan tỏa kiến thức CNTT tới đông đảo nông dân. Ngoài ra, các địa phương sau khi quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp CNC cần kiên trì tuyên truyền, từng bước tập huấn, giới thiệu, tiến tới hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chỉ dựa vào kinh nghiệm mà chuyển sang ứng dụng CNTT.
Bài và ảnh: HÙNG KHOA
http://www.qdnd.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn