Mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thành Nam |
Để nâng cao hiệu quả, giá trị trong sản xuất nông nghiệp và tiến tới đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ nông sản của người tiêu dùng, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn cho Thủ đô.
Một trong những điểm sáng của việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội phải kể đến xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì. Trong những năm qua, xã Yên Mỹ đã mạnh dạn đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, trong việc phát triển mô hình trồng rau thủy canh, xã đã tiến hành xây dựng nhà kính và hệ thống tiếp nước tự động, rau khi được trồng trong môi trường này sẽ không chịu bất cứ tác động nào từ bên ngoài và sinh trưởng phát triển mạnh mẽ. Từ phương pháp trồng rau thủy canh, các loại rau trái vụ được nuôi trồng liên tục. Bên cạnh đó, xã đã tiến hành thí điểm trồng một số các loại nông sản khác như dưa lưới, dưa lê và tiến hành đẩy mạnh diện tích trồng rau VietGap, sản xuất theo quy trình rau an toàn.
Với đa dạng các loại sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao xã Yên Mỹ được tiêu thụ thông qua các kênh giới thiệu sản phẩm với một số trường học và một số hộ gia đình trong nội thành, bước đầu đưa về nhiều phản hồi tích cực. Dựa trên những nền tảng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn, xã Yên Mỹ tiếp tục duy trì 68 ha sản xuất rau an toàn, trong đó 21 ha đã được cấp lại giấy chứng nhận VietGap. Cùng đó, để mở rộng đầu ra cho sản phẩm rau an toàn, xã Yên Mỹ tiếp tục duy trì ký hợp đồng với các doanh nghiệp và mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, sản lượng ước đạt 2-2.5 tấn rau/ngày chiếm khoảng 40% sản lượng rau của xã...
Tương tự, từ việc áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất (chuyển giao từ các chuyên gia Hà Lan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam), mô hình trồng măng tây của người dân xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên) đã mang lại thu nhập tiền tỷ cho chủ vườn mỗi năm. Ông Lê Đức Trịnh, Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả Hồng Thái cho biết, được trồng với diện tích 3ha, trong đó có 1,2ha trồng trong nhà kính, năng suất cây măng tây hiện đạt 3 kg/sào/ngày. Hiện giá bán măng tây xanh là 90.000 đồng/kg và măng tây trắng 150.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi khoảng 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3,5-4%/năm trở lên, Hà Nội chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu tỷ trọng giá trị sản phẩm lĩnh vực này đạt 25-35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.
Nhằm từng bước đưa nền nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng bền vững, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn gắn với lợi thế và thị trường. “Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh như rau, hoa, cây ăn quả... và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật canh tác, cùng với ngành nông nghiệp tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao.
Cùng với đó, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản, từng bước tạo ra sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất về vốn, cơ sở hạ tầng...;
Đồng thời, tăng cường nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân...
Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn