Các thành viên HTX kiểm tra quá trình phát triển của cây rau muống Nhật trồng thủy canh.
Nhận thấy lợi thế từ những yếu tố trồng rau thủy canh là phương pháp mới tiết kiệm chi phí, tận dụng diện tích, ít sâu bệnh, cách li với các độc tố do nguồn nước, không khí và an toàn cho người sử dụng, anh Đặng Minh Đức, Giám đốc HTX Sản xuất chế biến dịch vụ thương mại nông, lâm sản Quảng Ninh đã đến một số tỉnh, thành phát triển mạnh trồng rau thủy canh như: Hà Nội, Bắc Giang, Lâm Đồng... để học hỏi kinh nghiệm. Sau thời gian tìm tòi, tích lũy kinh nghiệm, anh Đức nhận thấy HTX của mình có lợi thế về diện tích đất, nguồn nước sạch để phát triển trồng rau thủy canh. Do vậy, giữa tháng 4/2017 anh cùng các thành viên HTX bỏ ra 500 triệu đồng đầu tư diện tích 3.000m2 làm khung nhà lưới, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống bơm nước liên hoàn để trồng rau thủy canh.
Trồng rau thủy canh có 2 cách là thủy canh động và thủy canh tĩnh. Thủy canh động, hay còn gọi (khí canh) là các giá thể cây được trồng trên kệ, sau đó dùng hệ thống phun nước và dưỡng chất liên tục theo giờ để cây phát triển. Còn trồng thủy canh tĩnh là quá trình dung dịch được tự động bơm lên để tưới cho các loại cây trong kệ bằng máy bơm, nước sẽ được luân hồi trong kệ để đảm bảo sự phát triển. Anh Đức cho biết: Tôi lựa chọn cách trồng tĩnh nhưng ở dưới mặt đất, bằng cách xây các ô có chiều dài 10m, rộng 2m; chiều cao từ đáy lên mặt phẳng ô là 10cm; trên mặt ô đặt các khay rau sau khi các giá thể cây được trồng trên các nguyên liệu trấu, xơ dừa, vỏ lạc, mùn cưa đã được nghiền nhỏ. Điều này giúp kích thích rễ cây phát triển, duy trì độ ẩm cao và cây hấp thụ dưỡng chất nhanh hơn.
Ở mỗi ô, anh Đức lót tấm ni lông chống thấm, lắp đặt ống cấp nước được đấu nối ống chính để bơm các dưỡng chất được hòa tan trong nước vào ô cho cây sinh trưởng. Cây mới trồng cung cấp khoảng 500-600 đơn vị dưỡng chất, lúc gần thu hoạch tăng lượng dưỡng chất lên từ 1.000 -1.600 đơn vị. Hiện tại HTX của anh Đức trồng 3 loại rau là: Xà lách, rau muống Nhật và cà chua. Riêng diện tích rau muống Nhật khoảng 1.000m2 và thời gian trồng khoảng 1 tháng cho thu hoạch.
Anh Đặng Minh Đức (bên phải), Giám đốc HTX Sản xuất chế biến dịch vụ thương mại nông, lâm sản Quảng Ninh (TP Uông Bí) kiểm tra các khay rau trồng thủy canh. |
Theo anh Đức trồng rau thủy canh ít phải chăm sóc hơn, chỉ cần kiểm tra điều chỉnh lượng nước cho phù hợp với điều kiện thời tiết, nếu thời tiết nóng thì tăng nguồn nước và bổ sung dưỡng chất cho cây. Trường hợp thời tiết mưa nhiều và lạnh cần tăng nhiệt độ bằng cách thắp sáng, duy trì lượng nước ổn định; đồng thời trồng rau thủy canh hoàn toàn không có sâu bệnh. So với trồng rau truyền thống trên đất thì trồng rau thủy canh tiết kiệm hơn rất nhiều bởi nước tưới tự động và giảm nhân công (1 người chăm sóc 1ha rau thủy canh) nên giảm chi phí. Sản phẩm rau thủy canh của HTX tuy mới trồng nhưng đã có nhiều đơn vị trên địa bàn TP Uông Bí tin tưởng và đảm bảo nguồn tiêu thụ.
Anh Đức cho biết thêm: Trước mắt HTX vẫn duy trì giá bán ở mức 10.000 đồng/kg đối với rau muống Nhật; 15.000 đồng với cà chua và xà lách. Mục tiêu của HTX hướng đến phát triển nhiều sản phẩm rau thủy canh để cung cấp cho đại lý và siêu thị trên địa bàn TP Uông Bí.
Đánh giá về mô hình trồng rau thủy canh rất mới của HTX, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch TP Uông Bí, cho biết: Cách làm của HTX Sản xuất chế biến dịch vụ thương mại nông, lâm sản Quảng Ninh đã mở ra hướng đi sản xuất nông sản an toàn. TP Uông Bí đang có kế hoạch đưa mô hình HTX vào chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) để hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi tin chắc rằng với hướng đi này HTX sẽ gặt hái được thành công trong thời gian tới.
Dương Trường/baoquangninh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn