Dồn dập đổ vốn đầu tư
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (2/2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam, do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Hành động này cho thấy, Chính phủ đặc biệt coi trọng việc tìm giải pháp giải bài toán nông nghiệp Việt Nam, đó là một nền nông nghiệp sạch, thông minh, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo yêu cầu thị trường.
Được biết, tại tỉnh Hà Nam, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã rót tiền tỷ đầu tư vào nông nghiệp. Theo Tập đoàn Vingroup, Dự án VinEco Hà Nam có diện tích 180 ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó, khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130 ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5 ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất. Dự kiến, cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích.
Trồng dâu tây theo mô hình công nghệ cao đang rất phổ biến tại Đà Lạt. Ảnh: Đức Thanh |
Không chỉ Vingroup, năm qua, rất nhiều “đại gia” đổ vốn vào nông nghiệp, đơn cử Hòa Phát, Trường Hải, FPT… Với cách làm nông hoàn toàn mới, những “con sếu đầu đàn” này được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn cung cách sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản nước ta.
Sau tỉnh Hà Nam, nhiều địa phương cũng đang cấp tập lên kế hoạch mạnh tay gọi vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phấn khởi nhận xét: “Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay, khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước ta”.
Là doanh nghiệp mới “thò chân” sang lĩnh vực nông nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, Công ty sẽ bắt tay vào xây dựng mô hình trồng lúa công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tại một tỉnh phía Bắc. Lý do đầu tư nông nghiệp, theo ông Dương, đó là “nếu không công nghiệp nông nghiệp, không có tiền để bù lỗ cho nông nghiệp như các nước khác, sẽ khó có thể thành công, nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm dấn thân”.
Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là sự dấn thân, mà cơ hội làm giàu cũng rất lớn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu làm nông nghiệp bài bản, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, có thị trường đầu ra ổn định, thì sẽ rất dễ giàu. Thực tế, nông dân nhiều nước như Nhật Bản, Hà Lan, Israel đều có thu nhập rất cao và không thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập chung. Đơn cử, Hà Lan thu nhập bình quân đầu người là 58.000 USD/năm, thì thu nhập của người nông dân là 55.000 USD. Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, thu nhập của nông dân có thể đạt tới 5.000 USD/năm nếu thực hiện đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Gỡ về đất, vốn ngay năm 2017
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ giải bài toán về thị trường, về biến đổi khí hậu, mà còn giải bài toán về thực phẩm bẩn, căn bệnh nhức nhối của toàn xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, các chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách đất đai. “Chúng ta mong muốn có nhiều khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì đòi hỏi mọi chính sách phải đồng bộ, mà bắt đầu từ việc tháo gỡ nút thắt tích tụ đất đai phải là một cuộc cách mạng cho nông nghiệp”, ông Cường nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…, giảm thủ tục rườm rà. Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách. Ngay trong tháng 3 tới đây, phải chỉnh sửa xong nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, vấn đề mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất, vốn là vấn đề khó khăn nhất, nên ngay trong buổi làm việc đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, giao Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để thực hiện vấn đề này.
Theo Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng, nếu mỗi ngân hàng cùng góp sức tham gia, việc thực hiện gói tín dụng này không hề khó khăn. Hiện LienVietPostBank cũng đã công bố, sẽ dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất, để tham gia chương trình này.
Chắc chắn, với gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng, cùng hàng loạt chính sách mới tháo gỡ mọi vướng mắc, nông nghiệp sẽ là kênh hút vốn “nóng” nhất năm 2017.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn