Chiều 11/9, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU tại huyện Sóc Sơn.
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân của huyện Sóc Sơn có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện đã có 18/25 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã còn lại đạt từ 14 - 17 tiêu chí và huyện phấn đấu sẽ hoàn thành nông thôn mới vào năm 2019.
Toàn huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa ở 121 thôn, làng của 24/25 xã với tổng diện tích là 10.845ha, vượt 107% kế hoạch thành phố giao. Sau dồn điền đổi thửa, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng của huyện Sóc Sơn được quy hoạch và từng bước được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất. Trên địa bàn huyện đã hình thành 32 vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn.
Bằng nhiều giải pháp, từ năm 2016 đến hết quý III/2018, huyện Sóc Sơn đã huy động được hơn 1.453 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Riêng với chương trình nội thành hỗ trợ ngoại thành, đến tháng 8/2018, huyện Sóc Sơn đã được quận Đống Đa đã hỗ trợ 25 tỷ đồng, quận Hai Bà Trưng hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn.
Bên cạnh đó, đời sống người nông dân trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao và các thiết chế văn hóa ở cơ sở được tập trung hoàn thiện. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 29,8 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 39,5 triệu đồng/người/năm (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,72% theo chuẩn nghèo đa chiều; 92% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương những nỗ lực của huyện Sóc Sơn trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU, nhất là trong công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Huyện Sóc Sơn nằm trong tốp đầu của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu huyện Sóc Sơn khắc phục một số hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh quy mô lớn của huyện chưa nhiều, chủ yếu vẫn quy mô hộ gia đình. Huyện chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tiêu thụ nông sản...
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, huyện Sóc Sơn cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó cần huyện ưu tiên cho công tác quy hoạch, khảo sát, lên phương án, mời các nhà khoa học tư vấn để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương và quản lý chặt chẽ đất đai.
Bên cạnh đó, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh quy mô lớn, nhất là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào nông thôn, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã gắn với quy hoạch khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn.
Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sóc Sơn cần đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch, lập quy hoạch chi tiết và đề án xây dựng nông thôn mới của các xã gắn với quy hoạch khu đô thị vệ tinh. Quan tâm nhiều hơn tới bảo vệ môi trường nông thôn; củng cố, đổi mới hoạt động của các hợp tác xã; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; rà soát những nơi có biểu hiện yếu kém để kiện toàn, củng cố; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức. Tập trung giải quyết dứt điểm, thấu đáo các vụ việc khiếu nại tố cáo, mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân để hạn chế tối đa khiếu kiện tập trung đông người, kéo dài và vượt cấp…
Trước khi làm việc với lãnh đạo huyện Sóc Sơn, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng và đoàn công tác đã đi tham quan xã Minh Phú, đây là xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2018. Đoàn công tác cũng đã tham quan mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần KMS đầu tư sản xuất và thương mại chuyên sản xuất nấm và mô hình trang trại tổng hợp của hộ gia đình ông Đặng Quang Tiến ở xã Minh Phú... Đây là những điển hình trong sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững.../.
Tác giả bài viết: Thu Hà
Nguồn tin: cpv.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn