Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân là "cửa ải" mà nhiều người cho là khó nhất. Với huyện Ba Vì để thực hiện được tiêu chí này không đơn giản, bởi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của Ba Vì còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao. Toàn huyện có 31 xã, thị trấn thì có tới 7 xã miền núi và một xã giữa bãi nổi sông Hồng - nơi đời sống vật chất của người dân còn thiếu thốn. Diện tích đất tự nhiên của huyện rộng (248,8km2), dân số đông 272.000 người, tỷ lệ lao động làm nghề nông chiếm 83%, trong khi đó bộ tiêu chí quốc gia về NTM quy định, tỷ lệ lao động trong độ tuổi làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm xuống chỉ còn dưới 25%. Vì thế, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ được huyện Ba Vì xem là yếu tố tiếp sức trực tiếp cho xây dựng NTM. Huyện đã thành lập ban chỉ đạo các cấp, phổ biến đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn để 100% người dân hiểu được mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong quá trình xây dựng NTM.
|
Ông Đỗ Quang Trung, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì cho biết, sau khi khảo sát nhu cầu của người lao động phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương và khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, huyện đã xác định các nhóm nghề đào tạo cho người dân từng khu vực theo hướng tăng lao động công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động nông nghiệp... đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phó Chủ tịch xã Ba Trại Đinh Thanh Xuân khẳng định, trước đây lao động nông thôn các xã miền núi Ba Vì chưa được đào tạo nghề, chưa có việc làm thường xuyên chiếm tỷ lệ cao, bởi công việc phần lớn là làm theo mùa vụ, do đó lãng phí quỹ thời gian lao động khá lớn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đời sống của người dân kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hoặc tái nghèo hàng năm ở mức cao. Từ khi nghề may công nghiệp, tin học, chăn nuôi, điện công nghiệp, kỹ thuật trồng chè, chế biến thuốc nam... được mở, người dân 7 xã miền núi huyện Ba Vì rất phấn khởi. Ông Xuân cho biết thêm, tại xã Ba Trại, trong hai năm qua đã mở được 11 lớp dạy nghề cho khoảng 600 nông dân. Một số ngành nghề như kỹ thuật chế biến chè, chăn nuôi thú y, may công nghiệp... sau đào tạo người dân có việc làm ổn định, thu nhập khá từ 1,4 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ gia đình trước đây do thiếu kiến thức dẫn tới việc bị thua lỗ, sau khi qua lớp chăn nuôi thú y họ đã nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Không ít hộ gia đình vừa kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và làm thêm một số nghề phụ nên kinh tế ngày càng khấm khá. Chia sẻ về hiệu quả công tác đào tạo nghề của địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cường Nguyễn Xuân Hiệu cho rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ là một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mà còn là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong xây dựng NTM. Xã Phú Cường đã khảo sát đưa việc dạy nghề sát với thực tế đáp ứng yêu cầu của người lao động trong chuyển đổi nghề nghiệp. Với phương thức "vừa học, vừa thực hành tại chỗ" nên việc dạy nghề không những giảm chi phí, còn đỡ tốn thời gian theo học.
Trong 9 tháng năm 2012, huyện Ba Vì đã mở được 66 lớp dạy nghề cho hơn 2.400 lao động ở nông thôn. Từ nay đến 2015, Ba Vì đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 13.785 người, trong đó riêng 7 xã miền núi là 2.946 người. Tại các xã miền núi như Vân Hòa, Ba Vì, Yên Bài, Ba Trại... sau hơn hai năm triển khai thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" đã tạo được bước chuyển đáng kể trong giải quyết việc làm gắn với mục tiêu xây dựng NTM. |