Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững Cho đến nay, huyện Đan Phượng đã xây dựng được các vùng sản xuất cây, con tập trung như: vùng lúa chất lượng cao ở Đan Phượng, Song Phượng; vùng sản xuất rau Phương Đình, Song Phượng, Đan Phượng; vùng trồng ngô ngọt Song Phượng, Trung Châu; vùng trồng dưa chuột Phương Đình; vùng trồng cây ăn quả Thượng Mỗ, Phương Đình… Toàn huyện có 67 trang trại, 243 vườn trại hiệu quả góp phần đưa giá trị thu nhập/ha canh tác đạt trung bình 80 triệu đồng/ha. Nói về những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng hồ hởi cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện ước đạt 147 tỷ đồng, trong đó giá trị trồng trọt 78 tỷ đồng, giá trị chăn nuôi 63 tỷ và giá trị thuỷ sản 6 tỷ đồng. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện nghiêm, qua đó đã phát hiện và khoanh vùng kịp thời ổ dịch nghi cúm gia cầm ở xã Đồng Tháp, ổ dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc ở xã Tân Lập; tổ chức các đợt tiêm phòng, khử trùng tiêu độc theo quy định. Các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra công tác giết mổ, vệ sinh thú y tại các chợ, điểm buôn bán, cơ sở giết mổ lớn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tổng số thực phẩm qua kiểm soát 6 tháng đầu năm là 687.300 kg thịt lợn, 57.092 kg thịt gia cầm, 57.706 bộ phủ tạng và 151.290 quả trứng, tại cơ sở Foodex được 819 con lợn; kiểm dịch nhập về được 18.646 con lợn, 27.737 con gia cầm. Phòng Kinh tế đã xây dựng đề cương hướng dẫn các xã, thị trấn lập dự án, trình duyệt theo quy định; đồng thời tích cực triển khai các dự án sản xuất rau an toàn, hoa… Đến nay, xã Tân Lập đã hoàn thành lập dự án sản xuất lúa - cá 12 ha và đã được UBND huyện phê duyệt. Xã Tân Hội đã hoàn thành lập dự án 5,5 ha, xã Liên Trung lập dự án sản xuất rau an toàn 20 ha đang gửi Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính – Kế hoạch thẩm định trình UBND huyện phê duyệt. UBND huyện đã đầu tư kinh phí xây dựng mỗi xã 1 tuyến đường giao thông nội đồng (riêng xã Phương Đình 2 tuyến) với mục tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. UBND huyện thành lập Ban quản lý dự án cải tạo, nâng cấp công trình giao thông nội đồng để quản lý đầu tư xây dựng theo quy định. Đến nay các tuyến đường giao thông nội đồng đã được UBND huyện phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu với tổng mức đầu tư 17,304 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây lắp 14,330 tỷ đồng. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao Với lợi thế sẵn có của huyện ven đô, toàn huyện Đan Phượng có hơn 1.200 hộ sản xuất CNTTCN, trên 2.200 hộ kinh doanh thương mại- dịch vụ. Ðan Phượng có 42/70 làng có nghề, trong đó có 7 làng được công nhận làng nghề góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chỉ còn chiếm 13,64% giá trị sản xuất, công nghiệp- TTCN- xây dựng chiếm 60%, thương mại- dịch vụ chiếm 26,36%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm. Các cụm điểm công nghiệp- TTCN, làng nghề ở thị trấn Phùng và các xã Ðồng Tháp, Ðan Phượng, Liên Hà, Tân Hội đến nay đã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích 77,8 ha, thu hút 54 doanh nghiệp và 456 hộ vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 4.000 lao động. Trong những năm qua, Ðan Phượng chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng cơ bản, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, trọng tâm là phát triển đường giao thông, công trình giáo dục, y tế và các công trình bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều công trình lớn đã được hoàn thành như đường mặt đê Tiên Tân, Tả Ðáy, đường từ quốc lộ 32 - bệnh viện, đường Ðan Phượng - Tân Hội... Huyện cũng đã cải tạo, nâng cấp và xây mới 39 trường học, 11 trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi công cộng... Không ít người khi đi trên đường 32 đã rất ấn tượng với sự đổi thay nhanh chóng của thị trấn Phùng- từ một thị trấn chật hẹp, nghèo nàn nhưng chỉ trong vài năm đã thay đổi thành một đô thị xanh, hiện đại và khá sầm uất. Có một Ðan Phượng như hôm nay chính là đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HÐND, UBND huyện với tinh thần làm việc quyết liệt, hiệu quả; đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phân công thực hiện nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời gian, đã tạo được sự đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Lãnh đạo huyện Ðan Phượng xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước để tập trung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, công tác giải phóng mặt bằng được xác định là trọng tâm của huyện, với cách làm công khai, dân chủ, đúng quy trình, đối thoại trực tiếp với nhân dân để tìm sự đồng thuận cao. Theo Chủ tịch UBND huyện Ðan Phượng Ðinh Hữu Hạnh, từ năm 2005 đến 2010, huyện đã thực hiện GPMB 103 dự án với diện tích 267,8 ha của 4.511 hộ dân, chỉ tính riêng năm 2011 đã GPMB được 48 dự án với diện tích 34,6 ha của 1.059 hộ dân nhưng không có đơn thư khiếu nại vượt cấp. Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới Công tác xây dựng nông thôn mới được huyện Đan Phượng xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ngay từ năm 2009, Huyện ủy Đan Phượng ban hành Nghị quyết 08/NQ- HU về xây dựng nông thôn mới; HĐND huyện cũng có Nghị quyết về tăng cường chỉ đạo xây dựng NTM, UBND huyện xây dựng kế hoạch về triển khai xây dựng NTM trên toàn huyện; quán triệt đến đội ngũ lãnh đạo và nhân dân trong huyện về chủ trương, chính sách xây dựng NTM. Sau khi rà soát, huyện có một tiêu chí đạt, 10 tiêu chí cơ bản đạt từ 60- 80% và 8 tiêu chí đạt thấp dưới 50%. Trên cơ sở hiện trạng huyện hoàn thiện đề án xây dựng NTM, phấn đấu đến hết năm 2011 hoàn thành xây dựng NTM tại xã Song Phượng, đến 2015 có 7/16 số xã trong huyện đạt tiêu chí NTM (chiếm 44%); các xã còn lại cũng đạt 60% tiêu chí và đến 2020, 100% số xã trong huyện đạt tiêu chí NTM. Trước đây, huyện Đan Phượng đã áp dụng chính sách hỗ trợ 29% giá trị vật tư cải tạo, nâng cấp đường giao thông xóm, ngõ kết hợp rãnh tiêu thoát nước trong khu dân cư ở các xã, thị trấn. Nhờ đó, việc xây dựng đường sá trong các khu dân cư được nhân dân đồng tình hưởng ứng, đóng góp tiền của, sức lao động. Từ đầu năm 2012 đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng, nâng cấp được 27.648 m đường thôn xóm với tổng mức đầu tư gần 118 tỷ đồng; xây dựng 40.694 m đường xóm với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng và sự đóng góp hàng nghìn ngày công lao động của nhân dân. Năm 2011, có 142 hộ gia đình tình nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đối với xã Song Phượng- nơi được TP Hà Nội chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành dồn sức hỗ trợ xã hoàn thành các tiêu chí NTM để từ đó rút kinh nghiệm nhân rộng ra các xã khác. Đến nay, xã Song Phượng đã có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn NTM, được BCĐ chương trình xây dựng NTM của thành phố đánh giá là địa phương dẫn đầu trong công tác xây dựng NTM so với các xã được UBND thành phố chọn làm điểm. Song song với hoàn thiện mô hình NTM tại Song Phượng, trong năm nay, huyện phấn đấu hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM cho 100% số xã, làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2015, hoàn thành một số chỉ tiêu như: nhựa hóa (hoặc bê tông hóa) toàn bộ 43,6km (100%) đường liên xã, trục xã, 73,5km (100%) đường trục thôn xóm; 80% đường ngõ xóm và 70% đường giao thông nội đồng; tạo việc làm mới cho 2.000 lao động mỗi năm, 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, xây dựng thêm 17 trường chuẩn quốc gia... Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội huyện Đan Phượng đến năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng chủ yếu phát triển thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng; phát triển nông nghiệp ven đô; phát triển đô thị theo hướng từng bước đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính... theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, khớp nối với khu vực nội đô; hệ thống giáo dục đào tạo đạt chuẩn ở các cấp học, phát triển các trung tâm đào tạo nghề nhằm tạo nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Mục tiêu đến năm 2030, Đan Phượng thể hiện rõ vai trò là một bộ phận của đô thị trung tâm và vành đai xanh của thành phố, nằm trong khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, thương mại, tài chính cấp vùng và quốc gia, được ngăn cách với khu vực nội đô bằng vùng đệm vành đai xanh sông Nhuệ. Phát triển hai thị trấn, trong đó thị trấn Phùng được mở rộng đạt đô thị loại IV và hình thành thị trấn mới gắn với khu y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, tài chính tập trung của TP trên địa bàn huyện. Đến thời điểm này, Đan Phượng còn 8 tiêu chí đạt thấp là: quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và môi trường. Hiện nay, việc phát triển ở các làng nghề đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất và môi trường ô nhiễm. Trong khi đó, quy hoạch xây dựng các cụm điểm quy mô còn nhỏ chưa đủ đáp ứng nhu cầu của sản xuất làng nghề… Đó là những hạn chế lớn Đan Phượng đang nỗ lực quan tâm, tháo gỡ trong thời gian tới nhằm sớm về đích trong xây dựng NTM. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn