Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã đoàn kết, ra sức xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm không ngừng cải thiện đời sống của người dân, nâng cao dân trí, phát huy dân chủ vùng nông thôn và tạo nguồn lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện nhà. Từ những nỗ lực và phấn đấu đó, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đạt chuẩn NTM năm 2015. Đây cũng là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Bình Dương.
Tập trung phát triển sản xuấtThực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, năm 2011 UBND huyện Dầu Tiếng đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Bước vào xây dựng NTM, nhiều xã trong huyện còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp. Đến nay, sau hơn 5 năm phấn đấu và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp xây dựng NTM, bộ mặt huyện Dầu Tiếng đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, với việc chú trọng nâng cao hiệu quả trong phát triển sản xuất, thu nhập của người dân trong huyện đã tăng lên đáng kể. Đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 35,8 triệu đồng. Bình quân thu nhập đầu người đối với khu vực nông thôn của huyện năm 2015 đạt 35,44 triệu đồng. Đến cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong toàn huyện còn 280 hộ, chiếm tỷ lệ 0,91%, giảm 0,55% so với năm 2014 và giảm 15% so với năm 2010.
Dầu Tiếng có thế mạnh về nông nghiệp, hiện nay huyện đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời hình thành và phát triển vùng chuyên canh như cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung... Năm 2016, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện ước đạt trên 10.380 tỷ đồng, tăng 13,87% so với năm 2015. Đến nay, toàn huyện có 201 trang trại chăn nuôi. Tổng diện tích các loại cây lâu năm là 56.865 ha, chiếm 87,8% tổng diện tích tự nhiên; diện tích cây ăn quả là 465 ha, tăng 135 ha so với năm trước; mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao phát triển gần 10 ha.
Công trình trường học đạt chuẩn quốc gia được đầu tư trong quá trình xây dựng NTM ở xã NTM Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Song song với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng cũng tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp của huyện tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 18,9%. Trong khi đó, giá trị thương mại - dịch vụ của huyện mỗi năm tăng bình quân 12,58%. Huyện Dầu Tiếng còn tích cực phát triển các khu thương mại, điểm bán hàng từ huyện đến xã; đồng thời xây dựng mới các chợ Long Tân, Minh Tân và An Lập. Đến nay có 9/12 xã, thị trấn trong huyện có chợ.
Đầu tư mạnh cho giao thôngMột trong những kết quả nổi bật mà huyện Dầu Tiếng đạt được trong thời gian qua là phong trào làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị. Để thay đổi diện mạo NTM, huyện đã tích cực đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các tuyến đường giao thông. Kết quảtrong 5 năm qua cho thấy, huyện đã đầu tư làm mới, nâng cấp và sửa chữa 396km đường giao thông; nâng hệ thống đường bộ trên địa bàn huyện được cứng hóa lên 710 tuyến, tổng chiều dài hơn 979km, đạt 100% theo yêu cầu kỹ thuật của Bộ Giao thông - Vận tải.
Trong 5 năm qua, huyện Dầu Tiếng đã đầu tư xây dựng được 9 trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, xây dựng mới và nâng cấp 75/81 ấp văn hóa xã. Đến nay, toàn huyện có 10/11 xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các trung tâm và nhà văn hóa ấp đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cư dân nông thôn.
Để chương trình xây dựng NTM đi vào chiều sâu, huyện Dầu Tiếng đã quan tâm thực hiện lồng ghép chương trình vào thực hiện tiêu chí đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, khuyến nông, phát triển ngành nghề nông thôn. Cụ thể, hàng năm huyện đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 1.650 lao động nông thôn, nâng tỷ lệ lao động có việc làm trên địa bàn huyện đến nay đạt 93,6%; số lao động được đào tạo nghề là 30.400 người, chiếm tỷ lệ 68%. Đến nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia trong huyện đạt 99,8%; trên 90% cơ sở sản xuất và hộ dân đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; 90% rác thải khu đô thị và 70% rác thải nông thôn được thu gom, xử lý…
Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các xã trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền trong nhân dân để xây dựng NTM thật sự trở thành một phong trào lan tỏa đến từng người dân; để người dân nhận thức đầy đủ, chính xác về vai trò của mình trong xây dựng NTM. Huyện cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn huyện chung sức xây dựng NTM”.
Lãnh đạo UBND tỉnh xác định, những kết quả trong quá trình xây dựng NTM của huyện Dầu Tiếng chỉ là bước đầu, để theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và xây dựng nông thôn văn minh thì còn cả chặng đường dài để phấn đấu. Vì vậy, giai đoạn 2016-2020, huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động mọi nguồn lực để xây dựng NTM theo hướng nâng cao các tiêu chí đã đạt được; sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đến nay, huyện Dầu Tiếng có 9/11 xã đạt chuẩn NTM; còn 2 xã là An Lập đạt 17/19 tiêu chí, Minh Thạnh đạt 16/19 tiêu chí. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2016, 2 xã này được công nhận đạt chuẩn NTM. Đến năm 2020, 11/11 xã của huyện đạt chuẩn NTM, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn huyện là 5.786 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 28,67%, vốn doanh nghiệp chiếm 57,56%, vốn nhân dân chiếm 8,53%. Qua kết quả rà soát, đến tháng 12-2015, trên địa bàn huyện không có nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Theo QUỲNH NHIÊN/baobinhduong.com.vn