Bước đầu thành công
Ông Nguyễn Văn Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Với xuất phát điểm thấp, khi mới thực hiện, số tiêu chí bình quân của huyện mới đạt 5,05 tiêu chí/xã, không có xã trên 10 tiêu chí và 9 xã dưới 5 tiêu chí. Để tạo sự bứt phá, huyện đã ưu tiên nguồn lực cho các xã trọng điểm: Nhuận Trạch, Hoà Sơn, Cao Thắng, Liên Sơn và từng bước hoàn thiện hạ tầng gắn với sản xuất ở các xã còn lại.
Giai đoạn 2011-2015, huyện đã ban hành 245 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình XDNTM. Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành từ huyện triển khai xuống tới người dân với nhiều hình thức, phát động nhiều phong trào được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng. Qua chương trình, huyện đã huy động được gần 2 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn đồng thời vận động được nhân dân đóng góp 102.229 ngày công lao động, hiến được 75.400 m2 đất và 27,4 tỷ đồng.
Trồng rau hữu cơ tại xã Hợp Hòa huyện Lương Sơn. Ảnh: H.T
Trên địa bàn huyện đã hình thành 155 mô hình sản xuất, tổ chức 350 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất với 10.500 lượt người tham gia. Nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng hoa, trồng rau hữu cơ, trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi bò sữa, nuôi gà sinh học, nuôi lợn rừng.
Đến nay, huyện Lương Sơn đã có 5 xã về đích NTM gồm: Nhuận Trạch, Hoà Sơn, Liên Sơn, Cao Thắng và Thành Lập, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Tại các xã NTM, thu nhập của người dân cũng được nâng cao, năm 2015 đạt 38 triệu đồng/người/năm tăng gần 18 triệu đồng so với năm 2010.
Đột phá vào sản xuất để cán đích
Với những kết quả bước đầu, huyện tập trung vào công tác chỉ đạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Xây dựng huyện NTM được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện giai đoạn 2015-2020. Cùng đó, huyện yêu cầu các xã xây dựng Nghị quyết chuyên đề để huy động sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể.
Với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội chạy theo thành tích. Trong chỉ đạo, huyện ưu tiên giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Căn cứ vào thế mạnh của địa phương, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung và ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn để sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Khuyến khích nông dân sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết với doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Huyện còn phân công nhiệm vụ đến từng thành viên ban chỉ đạo NTM để nắm bắt đến từng cơ sở nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Huyện cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã áp dụng mẫu thiết kế điển hình, ưu tiên cho nhân dân tham gia thi công các công trình đơn giản như: Kênh mương, nhà văn hóa, đường thôn xóm để giảm chi phí đầu tư. Với cách làm trên, Lương Sơn đang quyết tâm đạt huyện NTM đúng kế hoạch đề ra.
Trao đổi về những khó khăn trong giai đoạn tới, ông Danh cho biết: Nguồn lực quan trọng nhất để XDNTM chính là nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ, nguồn vốn này hiện nay được cấp cho các xã hàng năm đều bằng nhau. Tuy nhiên vì điều kiện của mỗi xã, mỗi vùng miền là khác nhau nên khi triển khai thực tế sẽ khác nhau. Chính vì vậy, Chính phủ cũng cần có thêm những cơ chế hỗ trợ riêng cho từng vùng, theo yêu cầu đề xuất của chính người dân địa phương, như vậy mới tạo thêm động lực cho các địa phương xây dựng NTM.
Theo: H.T/Trang Trại Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn