Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình, từ một huyện xuất phát điểm thấp có nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, đến nay, Thanh Oai đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị cao trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; hệ thống kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, nhất là hệ thống giao thông được chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, làm cho diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai chương trình, huyện chưa có xã nào đạt và cơ bản đạt NTM, đến nay có 17/20 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,6 triệu đồng/người/năm năm 2010 lên 40,8 triệu đồng/người/năm năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,42% năm 2010 xuống còn 2,30% năm 2018. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 5.102ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được hơn 1.278ha, trong đó, thủy sản 697ha, rau 126ha, cây ăn quả 394ha, 8ha trang trại tổng hợp, 53ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Sau dồn điền đổi thửa đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có giá trị kinh tế cao tại các xã Bình Minh, Tam Hưng, Thanh Thùy, Đỗ Động, Dân Hòa, Tân Ước, Thanh Văn, Hồng Dương với tổng diện tích trên 3.000ha; vùng trồng cam Canh ở Kim An diện tích 130ha, bưởi ở xã Thanh mai diện tích 70ha bình quân thu nhập 700-800 triệu đồng/ha/năm; rau an toàn ở Kim An, thị trấn Kim Bài cho giá trị thu nhập đạt từ 300-400 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng công tác xây dựng các cơ sở hạ tầng. Đến nay, 115/118 thôn, tổ dân phố đã được xây dựng nhà văn hóa, trong đó, có 65 nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn. Toàn huyện có 87% hộ đạt danh hiệu văn hóa, 90/150 cơ quan đạt danh hiệu “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” đạt 60%; có 03 doanh nghiệp được công nhận Doanh nghiệp văn hóa”; Có 11/21 làng được công nhận làng văn hóa sức khỏe; 95/118 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa đạt 80,5% so với cùng kỳ năm 2011 tăng 34% số thôn. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40,8 triệu đồng/người/năm; Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn được tăng cường triển khai thực hiện; chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 86,5%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi 17%. Toàn huyện có 50 trường học đạt chuẩn Quốc gia. Qua 10 năm xây dựng NTM nhân dân ở các xã, thị trấn đã tích cực đóng góp tiền, công lao động làm đường bê tông nông thôn với tổng số tiền hơn 526 tỷ đồng. Với những kết quả đạt được, hiện, toàn huyện có 17 xã đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành huyện đạt chuẩn NTM.
Tại hội nghị, UBND huyện khen thưởng 19 tập thể, 08 hộ gia đình và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2019.