Được sự thống nhất của Huyện ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện tổ chức quán triệt và thống nhất tổ chức làm điểm triển khai thực hiện mô hình “Tổ góp vốn cất nhà”, với mục đích, ý nghĩa là gắn kết tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái cùng nhau đóng góp để mọi người đều có điều kiện để xây dựng nhà mà không phải vay, mượn với lãi suất cao.
Sau khi thống nhất, các thành viên tham gia sẽ bầu ra Tổ Trưởng, Tổ Phó, Thư ký và Thủ quỹ, đồng thời thảo luận Quy chế hoạt động của Tổ. Trong đó quy định thời gian góp vốn (thường là mỗi vụ lúa góp vốn một lần), mức góp vốn tùy theo Tổ bàn bạc thống nhất định ra mức góp (bằng tiền, từ 2 triệu đến 10 triệu đồng; bằng vật tư xây dựng, từ 50-100 bao xi măng; bằng lúa. từ 50 -100 giạ lúa). Trên cơ sở này, UBND xã ra Quyết định thành lập Tổ. Phong trào này đã được nhân rộng ra khắp các xã, thị trấn trong huyện, hàng năm bình quân cất được 40 căn nhà, tổng trị giá mỗi căn từ 100 đến 300 triệu đồng. Qua 5 năm tổ chức thực hiện phong trào góp vốn cất nhà đã vận động cất mới 217 căn. Ngoài ra, còn vận động đóng góp của các mạnh thường quân cất được 45 căn nhà tình thương cho hộ nghèo, tổng số tiền 495 triệu đồng.
Với sự phân công từng nội dung, phần việc rõ ràng, phát huy mạnh mẽ phong trào nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Để triển khai thực hiện một cách có trọng điểm, trọng tâm, tập trung thực hiện vào 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của Tỉnh. Trong đó, chọn ra 5 ấp làm điểm để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động. Kết quả đến nay đã vận động nhân dân cùng các mạnh thường quân, các tổ từ thiện sửa chữa và bắc mới 57 chiếc cầu, với hơn 23.000 ngày công lao động, quy thành tiền là 2,3 tỷ đồng; hiến đất làm đường quy thành tiền là 58 tỷ đồng. Bên cạnh, vận động nông dân rãi đá, chống lầy được hàng trăm km đường nông thôn tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng; kết hợp với các ngành chuyên môn vận động nông dân tham gia thực hiện 54 cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại với diện tích 14.204 ha. Trong đó, liên kết bao tiêu sản phẩm được 35 cánh đồng với diện tích 5.900ha/5vụ; cải tạo vườn tạp có 123 ha trồng dừa xen chanh; phối hợp vận động hoàn thành gần 250 km thắp sáng đường quê, trị giá trên 4 tỷ đồng (trong đó nông dân đóng góp trên 2 tỷ đồng); mở được 88 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho 2.278 học viên, giải quyết việc làm cho hơn 9.040 lao động có việc làm trong và ngoài Tỉnh, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo cho nông dân trong huyện.
Nhờ thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, nội dung cụ thể, chi tiết. Qua các đợt phát động đã cho ra những sản phẩm cụ thể mang lại lợi ích thiết thân nên nhân dân tích cực hưởng ứng; do làm tốt công tác tuyên truyền, nên việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Tháp Mười đã đạt được kết quả đáng kể, hầu hết các xã đều nâng cao tinh thần, khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới. Hội Nông dân huyện luôn xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, nên hướng tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, để người dân thấy được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người.
nguồn: bannhanong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn