5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn (Nghệ An) đã nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ để xây dựng địa phương phát triển vững mạnh toàn diện
Với những kết quả đã làm được, Nam Đàn xứng đáng là huyện điểm, huyện kiểu mẫu của tỉnh Nghệ An trong quá trình xây dựng NTM. Xuyên suốt ngần ấy thời gian, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu sâu xa tầm quan trọng Chương trình MTQG xây dựng NTM luôn được huyện Nam Đàn đặt lên hàng đầu. Từ trên xuống dưới chung sức đồng lòng, cùng triển khai theo quy chế dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”. Cụ thể hơn, huyện đã tích cực chỉ đạo sâu sát đến các xã, yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn xi măng hỗ trợ, kết hợp với việc huy động sức dân, gắn lồng ghép các chương trình để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; khuyến khích bà con phát triển các mô hình phát triển SX, từng bước nâng cao thu nhập. Tính đến thời điểm này, tổng nguồn vốn huy động toàn huyện đạt gần 850 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 225 tỷ đồng và hiến trên 126.000m2 đất, ngoài ra các hộ còn tiến hành dỡ bỏ gần 10.000m tường rào và đóng góp hơn 25.700 ngày công. Kết quả, năm 2014 có 4 xã về đích bao gồm Kim Liên, Nam Giang, Nam Cát và Nam Trung. Có 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí và 12 xã đạt 10 - 14 tiêu chí. Năm 2015 có 6 xã đăng ký về đích là Vân Diên, Xuân Hòa, Nam Anh, Nam Xuân, Nam Thượng và Nam Nghĩa. Trong số các địa phương nói trên, xã Nam Anh có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn riêng. Để quá trình xây dựng NTM được diễn ra thông suốt, cấp ủy, chính quyền đã tích cực khâu nối với nhân dân, con em xa xứ và các DN đóng trên địa bàn cùng chung tay thực hiện chủ trương lớn. Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều chuyển biến, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa thẳng tăm tắp, nhiều nhà cao tầng đua nhau mọc lên san sát; trường học, trạm y tế, khu vui chơi... được nâng cấp, làm mới trong sự hân hoan của mọi người. Nhờ thuận lợi về điều kiện địa hình, thổ nhưỡng nên xã Nam Anh ưu tiên tập trung phát triển kinh tế thông qua các mô hình nông nghiệp cho thu nhập cao nhằm tăng hiệu quả SX trên từng đơn vị diện tích. Hiện địa phương có 365 ha trồng rau màu các loại (mướp đắng, dưa chuột, hoa lý...), trong số này hoa lý là cây chủ đạo. Bà con biết cách chăm sóc nên hiệu quả đạt rất khá, năng suất cuối vụ luôn duy trì trên 2 tấn/sào. Với giá bán bình quân tại ruộng 20.000 đồng/kg, mỗi sào hoa lý, người dân thu về 35-40 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2015 này, toàn xã thu nhập 35 tỷ đồng từ cây hoa lý. “Làm thật ăn thật” nên chẳng có gì khó hiểu khi mức thu nhập bình quân đầu người nơi đây tăng lên nhanh chóng (đạt 24 triệu đồng/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5%. Hiện nhân dân đã đóng góp được gần 12 tỷ đồng và hơn 210.000 m2 đất để xây dựng NTM. Tính đến tháng 6/2015, Nam Anh đã hoàn thành 16/19 tiêu chí, địa phương đang gấp rút hoàn thiện 3 nội dung còn lại để cán đích đúng tiến độ. Ngược lại với Nam Anh, Nam Nghĩa là xã bán sơn địa, điều kiện kinh tế của nhân dân gặp nhiều khó khăn (thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chưa nổi 10 triệu đồng/năm) nên việc phát huy sức mạnh nội lực là bài toán vô cùng nan giải. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề quán triệt đến tận cán bộ, đảng viên; UBND xã xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng NTM, tiến hành thành lập các Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý NTM cấp xã; Tổ Phát triển NTM cấp xóm... Những khó khăn ban đầu nhanh chóng qua đi, đến nay tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn cơ bản đã đi vào ổn định, việc hoàn thiện các tiêu chí vẫn đang được đẩy nhanh và hứa hẹn sẽ hoàn thành đúng thời hạn đặt ra. Rất nhiều tấm gương tiêu biểu xuất hiện, những trường hợp như gia đình ông Trần Quang Hóa trú tại xóm 9, hiến 200m2 đất; ông Nguyễn Văn Hải xóm 4, hiến 150m2 đất... không phải là hiếm. Phong trào hiến đất, hiến tài sản để làm đường GTNT nhanh chóng lan tỏa rộng khắp với sự tham gia của đông đảo mọi người, trung bình mỗi khẩu đóng từ 500.000 đồng đến 1.100.000 đồng. Đến nay, xã Nam Nghĩa đã huy động được trên 60 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng... Sau gần 5 năm triển khai, toàn huyện Nam Đàn đã gặt hái được nhiều thành quả. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện trong nhiệm kỳ vừa qua duy trì với tốc độ khá (tăng bình quân 10,05%/năm, cao hơn bình quân toàn tỉnh 2,15%); thu ngân sách ổn định (tốc độ tăng bình quân 7,75%/năm); thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy, UBND huyện Nam Đàn xác định phát triển kinh tế gắn với quy hoạch nhanh và bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó, gắn nhiệm vụ phát triển nông nghiệp với thực hiện Chương trình xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020 có trên 70% diện tích đất nông nghiệp đạt giá trị trên 100 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục vận động, thu hút DN có tiềm năng vào đầu tư để phát triển toàn diện. Lợi thế từ các khu di tích lịch sử trọng điểm (quần thể khu Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên, Khu di tích Vua Mai, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, chùa Đại Tuệ, chùa Viên Quang...) sẽ được đẩy mạnh, từ đó tạo tiền đề, đồng lực đưa Nam Đàn đạt huyện NTM trước năm 2020.
VIỆT KHÁNH