Ông Trịnh Xuân Giáo bên trang trại cam của mình tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng/Báo Nghệ An. |
Trang trại Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo bao quanh núi đá Đồng Cò thuộc xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An lúc đầu chỉ là một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi. Nay là một trang trại cam với quy mô lên đến 20 ha, được trồng bằng giống cam xã Đoài chính thống.
Để có được trang trại cam như hôm nay, ông Trịnh Xuân Giáo phải vất vả lắm để lấy từng mẫu đất mang ra Hà Nội nhờ Viện Nông hóa - Thổ nhưỡng phân tích, đánh giá chất lượng đất, độ phì nhiêu của đất... Kết quả loại đất này trồng cam tốt, trong đất có chứa hàm lượng lân, vôi khá cao.
Từ đó ông Giáo tập trung san lấp mặt bằng, đốt 15 lò vôi để cải tạo đất, chuẩn bị cây giống, đào hố để trồng và thuê chuyên gia kỹ thuật về hướng dẫn trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…
Hiện tại trang trại của ông Giáo có 20 ha cam phát triển tốt, khá sạch sâu bệnh. Vụ cam đầu tiên là năm 2012 thu hoạch được 200 tấn, thu về hơn 5,4 tỉ đồng; vụ thu hoạch thứ 2 năm 2013 được 400 tấn, thu về 12 tỉ đồng; vụ thứ 3 năm 2014 thu 500 tấn, thu về 15 tỉ đồng.
Sang các vụ thu hoạch sau này, trang trại cam của ông Giáo thu hoạch được từ 500 - 530 tấn cam, thu về từ 15,5 - 16 tỉ đồng mỗi năm. Riêng vụ cam năm nay diện tích cho thu hoạch 16 ha. Nhưng do bị hạn nặng thời kỳ sau ra hoa, nên năng suất dự kiến bình quân 25 - 30 tấn/ha, giá bán hiện tại 45.000 đ/kg quả loại 1 và 35.000 đ/kg quả loại 2. Tổng doanh thu dự kiến đạt 16 - 17 tỉ đồng.
Cũng tại xã Đồng Thành, bên cạnh trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo còn có vườn cam của ông Nguyễn Hữu Bình, một công nhân ở nông trường Xuân Thành đã về hưu. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề trồng cam ở nông trường, ông Bình đã liên doanh cùng với một số hộ dân ở xã Đồng Thành để thành lập một trang trại trồng cam hơn 25 ha.
Trang trại cam của ông Bình đã cho thu hoạch được hơn 4 năm nay với năng suất đạt từ 25 - 27 tấn quả/ha, sản lượng cam trên diện tích cho thu hoạch mỗi năm từ 500 - 520 tấn quả, doanh thu đạt từ 17,5 - 18 tỉ đồng.
Hiệu quả từ hai trang trại cam của ông Trịnh Xuân Giáo và ông Nguyễn Hữu Bình cùng với một số hộ dân ở địa phương là động lực lớn để nhiều bà con nông dân ở xã Đồng Thành học tập làm theo với khát vọng vươn lên để làm giàu ngay trên quê hương mình.
Hiện nay ở xã Đồng Thành đã có nhiều hộ gia đình đầu tư mạnh vào trồng cam, điển hình như hộ nhà ông Đường trồng mới 1 ha cam, hộ nhà anh Việt trồng 12 ha, hộ nhà anh Tài 2,5 ha, hộ anh Bàng 2,5 ha và hộ anh Biên 5 ha… Nhà nào mùa cam này ít, nhiều đều cho thu hoạch.
Sơ bộ nhẩm tính toàn xã Đồng Thành hiện có khoảng 80 ha cam, trong số này có trên 50 ha cam cho thu hoạch từ vụ đầu tiên đến vụ thứ ba, thứ tư, năng suất đạt trung bình từ 21 - 22 tấn/ha, giá bán hiện tại 45.000 đ/kg cam loại 1 và 35.000 đ/kg cam loại 2. Doanh thu đạt trên dưới 36 tỉ đồng, bình quân mỗi ha cho thu nhập 700 - 730 triệu đồng.
Những ngày tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp và tư thương về đây mua cam tại vườn. Bà Phạm Thị Nhuần, một thương lái từ thành phố Vinh ra mua một lần hơn 2 tấn cam được chở trên một chiếc xe tải nhỏ.
Chúng tôi hỏi, sao mua một lần nhiều thế, bà nói: Tôi mua để đưa ra Hà Nội bán lại cho một số đại lý bán hoa quả ở ngoài đó. Tôi đã mua cam ở đây ba năm nay. Cam được người tiêu dùng khen ăn ngon, thơm, nhiều nước. Vì vậy khách hàng của tôi họ nói chỉ lấy cam Đồng Thành mà thôi, cho dù giá cam ở đây bán cao hơn cam Quỳ Hợp, Con Cuông 4-5 giá.
Đến trang trại cam Thiên Sơn của ông Trịnh Xuân Giáo, người đến đây mua cam khá đông. Chúng tôi hỏi một phụ nữ trạc ngoài 40 tuổi có tên là Thái Thị Ba ở Diễn Châu đang bốc hàng lên chiếc xe tải nhỏ. Vừa nhận hàng, chị vừa nhắc nhở mấy người bán hàng: "Làm thật nhẹ nhàng để quả cam không bị xây xát vỏ, hàng của tôi đưa vào tận Đà Nẵng giao cho khách hàng mà hư hỏng thì nguy lắm".
Đúng như nhiều người nói: Cam Đồng Thành ngon và thơm không thua cam xã Đoài, nên khách hàng không những trong huyện, trong tỉnh đến mua đông, mà còn được nhiều thương lái mua đem đi bán tận Hà Nội, Đà Nẵng và theo anh Phạm Công Hải, cán bộ kỹ thuật ở trang trại cam Thiên Sơn cho biết thêm, cam ở đây còn được nhiều khách hàng ở tận thành phố Hồ Chí Minh gọi điện, nhắn tin về mua và yêu cầu gửi hàng qua các tuyến xe khách chạy từ Yên Thành đi thành phố Hồ Chí Minh.
Với uy tín chất lượng cam đã có như hiện nay, vùng cam Yên Thành sẽ phát triển mạnh theo hướng bền vững, giúp nông dân có cuộc sống ấm no hơn từ cây cam đem lại. |
Theo ông Trịnh Xuân Giáo cho biết, trang trại cam Thiên Sơn sẽ mở rộng vùng trồng cam lên 30 ha, tất cả trồng bằng giống cam xã Đoài và sản xuất theo quy trình VietGAP đã được đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Yên Thành cho biết: Yên Thành là một huyện chuyên lúa. Nhưng hiện đã có trên 200 ha cam trồng đất lúa kém hiệu quả và đất vườn nhà của một số hộ dân. Tất cả đều được trồng bằng giống cam Xã Đoài.
Các xã trồng nhiều cam là Đồng Thành khoảng 80 ha, Minh Thành 50 ha và rải rác ở một số xã như Trung Thành, Nam Thành, Kim Thành, Quang Thành… Toàn huyện phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ có 250 ha cam gắn với quy trình sản xuất cam sạch, cam VietGAP để tăng hiệu quả sản xuất.
Để khuyến khích sản xuất cam, UBND huyện đã có cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng được vay vốn ưu đãi của ngân hàng, hỗ trợ 5.000 đ/cây giống, hỗ trợ 200 triệu đồng cho những hộ đầu tư hệ thống tưới ở quy mô trang trại để phòng chống hạn.
Ngoài ra, huyện giao Trạm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật xuống tận từng cơ sở sản xuất, từng hộ nông dân để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...
Theo: Doãn Trí Tuệ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn