Ai cũng nói bộ máy đang rất cồng kềnh, kém hiệu quả nhưng phải bắt đầu từ đâu? Nếu không chỉ ra được thì “đồng chí, đồng đội” với nhau xử lý rất khó. Đây là nhiệm vụ mà Ban Tổ chức Trung ương giao cho Vụ Tổ chức cán bộ cơ quan nghiên cứu và tham mưu giải quyết.
Qua hơn 1 năm nghiên cứu và thực hiện thí điểm, “với cách làm công khai, minh bạch, khoa học khẩn trương nhưng có lộ trình hợp lý và hướng tới mục tiêu cao nhất là vì mục tiêu chung”, như chia sẻ của ông Dương Minh Đức - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cơ quan (Ban Tổ chức Trung ương) - có thể nói, bước đầu đã nhìn thấy cách giải bài toán tinh gọn bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về quá trình nghiên cứu, xây dựng các bộ công cụ để đánh giá cán bộ?
Ông Dương Minh Đức: Xác định phải xây dựng vị trí việc làm là chủ trương của Bộ Chính trị, trong đó có việc mô tả vị trí việc làm, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của Ban, của các vụ, đơn vị. Ví dụ, vụ này có chức năng tham mưu về công tác cán bộ cho hệ thống thì phải thể hiện được công việc của Vụ trưởng, Vụ phó, chuyên viên… là gì. Từ mô tả vị trí việc làm mới thực hiện xây dựng khung năng lực phù hợp với từng vị trí việc làm, tiếp đó bố trí nhân sự có năng lực tương ứng, từ đó mới quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm được.
Trong hơn 1 năm đi tiên phong trong xác định vị trí việc làm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, đến nay, Ban Tổ chức Trung ương, đã tham mưu để Lãnh đạo ban ký ban hành danh mục tạm thời gồm 39 vị trí việc làm của toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Riêng Ban Tổ chức Trung ương có 33 vị trí việc làm và thí điểm bố trí sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức từ tháng 4/2018 và sẽ sơ kết việc thực hiện này vào tháng 12/2018. Dự kiến tháng 5 tới, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tổ chức giao ban trực tuyến để trao đổi và thực hiện trong toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng.
Nhiều đơn vị tiến hành mô tả việc làm theo nhân sự, theo con người hiện có là không đúng mà phải từ chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Chưa cần quan tâm ai đang làm gì, mà cần mô tả từng vị trí công việc, sau đó mới áp vào để xem xét. Có thể ở một đơn vị đang có tới 70 người, nhưng sau mô tả chỉ cần 50 người đảm nhiệm. Tiếp đó áp đến khung năng lực, có thể có người đủ, người chưa đủ điều kiện, nhưng không vì thế có thể cho họ nghỉ, phải xem xét theo hướng người chưa đủ năng lực thì cho đi đào tạo, chưa đúng sở trường thì luân chuyển, điều chuyển sang vị trí khác, những người sắp về hưu thì quá độ, nhưng việc tuyển mới, đào tạo, luân chuyển nhất định phải tuân thủ khung năng lực phù hợp với vị trí việc làm… Công việc này đòi hỏi phải làm đồng bộ, căn cơ nhưng cái được là cả cơ quan đều phải chuyển động theo hướng tích cực.
Để xây dựng bộ công cụ đánh giá cán bộ, từ nghiên cứu thực tế cách làm ở quận Long Biên (Hà Nội) và tỉnh Hà Giang, kết hợp với các yêu cầu của Nghị quyết trung ương 4, Chỉ thị 05, chúng tôi đưa ra bộ công cụ đánh giá 360 độ đối với cán bộ, tức là cấp trên đánh giá xuống, cấp dưới đánh giá lên, tự cá nhân đánh giá, rồi đánh giá ngang cấp, tổ chức Đảng đánh giá về ý thức tiên phong, gương mẫu của người đảng viên… Bộ công cụ này đã được trình lên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho ý kiến chỉ đạo sau đó sẽ lấy ý kiến rộng rãi trong toàn cơ quan trước khi Lãnh đạo ban kí ban hành.
Như vậy, với danh mục vị trí việc làm và bộ công cụ để đánh giá cán bộ sẽ làm cho mọi việc trở nên minh bạch, người nào thực sự cống hiến bằng năng lực, phẩm chất sẽ được đánh giá khách quan, chính xác. Đây cũng là cơ sở để đào tạo, luân chuyển, đề bạt, cất nhắc, khi đó, công tác cán bộ tự nhiên sẽ trở nên chắc chắn và lành mạnh bởi nó được dựa trên năng lực, phẩm chất, hiệu lực hiệu quả công việc.
PV: Việc tinh gọn bộ máy cũng như tinh giản biên chế sẽ đặt ra yêu cầu cao hơn về trách nhiệm của người đứng đầu, tăng quyền lực nhiều hơn cho lãnh đạo. Vấn đề kiểm soát quyền lực được xử lý thế nào?
Ông Dương Minh Đức: Tổng Bí thư đã nói trong kiểm soát quyền lực, “công khai là thanh bảo kiếm”. Công khai và dân chủ sẽ tạo thành cơ chế ràng buộc nhau. Bằng công cụ đánh giá 360 độ đối với cán bộ như tôi đã nói ở trên, cấp trên đánh giá xuống, cấp dưới đánh giá lên, tự cá nhân đánh giá, rồi đánh giá ngang cấp, tổ chức Đảng đánh giá về ý thức tiên phong, gương mẫu của người đảng viên … Khi đó, cấp dưới nhìn vào buộc anh phải thực hiện, cấp trên nhìn xuống buộc anh phải có trách nhiệm để phát huy sức mạnh tổng hợp của anh em.
Người đứng đầu không chỉ biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới mà phải biết kết luận, đó mới đúng là dân chủ tập trung. Dân chủ là phải mở ra, để tất cả mọi người được phát huy trí tuệ. Nhưng để tập trung được, đòi hỏi người đứng đầu phải có phẩm chất, năng lực, không chỉ tiếp thu ý kiến của anh em mà còn phải biết nâng tầm những ý kiến đóng góp đó.
Anh được làm thủ trưởng là do Đảng, Nhà nước bổ nhiệm, cấp dưới có thể khẩu phục. Nhưng để cấp dưới tâm phục, khẩu phục, anh phải đạt được ở mức thủ lĩnh. Vai trò của người đứng đầu thể hiện ở chỗ đó.
Người đứng đầu còn cần phải có tâm. Anh có trình độ, nhìn ra vấn đề, nhưng nếu thiếu trong sáng, lồng ý chủ quan của mình vào, lập tức kết luận của anh trở nên méo mó.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn