Dịch bệnh đe dọa đàn gia cầm khổng lồ
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 11/2/2020, cả nước hiện có 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra công tác chăn nuôi gia cầm tại Phú Thọ. Ảnh: K.L
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường: Phát hiện sớm, tiêu hủy nhanh Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm cũng có những điểm mạnh như: Chăn nuôi quy mô lớn gắn với an toàn sinh học đang trở thành yếu tố căn bản, chiếm tỷ trọng 50%, kể cả chăn nuôi trực tiếp hay vệ tinh thì dòng chảy chủ đạo vẫn là chăn nuôi theo an toàn sinh học. Để khống chế dịch bệnh CGC H5N6, đề nghị các địa phương hết sức chú ý phát hiện sớm các ổ dịch CGC mới, tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh; tất cả các tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường bằng vôi bột, làm tập trung để ngăn chặn virus lây lan. |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), bệnh CGC là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; các ổ dịch CGC xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine.
Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội, địa phương đang có ổ dịch CGC H5N6 cho biết, thành phố đang triển khai chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”, tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh, lập chốt kiểm dịch để đảm bảo không đưa gia cầm bệnh ra ngoài vùng dịch.
Tuy nhiên, ông Đăng cũng thừa nhận, nhận thức của người dân còn hạn chế ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch.
“Ở một số nơi chính quyền địa phương và hệ thống thú y chưa làm tốt khâu tuyên truyền nhất là các chính sách khi phải tiêu hủy gia súc gia cầm khi xảy ra dịch bệnh nên người dân không thực hiện tốt việc khai báo dịch bệnh.
Trên địa bàn thành phố còn quá nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (988 cơ sở, điểm giết mổ) nên việc quản lý gặp quá nhiều khó khăn, riêng chợ Hà Vĩ (Thường Tín) tiêu thụ khoảng 30 - 40 tấn/ngày gia cầm (gà, vịt sống) cũng nhập từ các nơi khác về nên nguy cơ bùng phát dịch là rất cao - ông Đăng nói.
Tương tự như vậy, theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn, các ổ dịch cúm A/H5N6 chủ yếu là tái phát từ các ổ dịch cũ, đàn gia cầm không được tiêm phòng vaccine.
Tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm buôn bán tại địa phương là 1,5% (3/198 mẫu dương tính) cho thấy nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao do điều kiện thời tiết đang diễn biến phức tạp, độ ẩm cao chuyển mùa, thuận lợi cho virus phát triển.
Chủ động bảo vệ đàn gia cầm
Báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho thấy, năm 2019, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao, một số địa phương có đàn gia cầm tăng đến 2 con số như Bến Tre tăng gần 40%, Trà Vinh có đàn gà tăng 52%, vịt tăng 41%...
Tính đến tháng 12/2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đạt 467 triệu con, tăng 14,2% so với cùng thời điểm năm 2018; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 nghìn tấn, tăng 16,5% so với năm 2018.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh đàn gia cầm tăng rất mạnh, việc tăng cường các giải pháp phòng chống bệnh CGC để bảo vệ đàn gia cầm là vô cùng quan trọng.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Thú y và các ngành chức năng, các địa phương tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: “Đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus CGC, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng...”.
Thứ trưởng Tiến cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi, giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn