Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nhằm thắt chặt việc phòng chống dịch viêm phổi cấp do virus corona, từ ngày 27/1/2020, Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết đến hết ngày mồng 9 Tết (tức ngày 2/2/2020). Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cho người lao động được nghỉ Tết đến tới hết rằm tháng Giêng năm (tức tới ngày 8/2/2020).
Bên cạnh đó, tác động của dịch viêm phổi cấp do virus corona cũng như các biện pháp ngăn chặn dịch đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hoạt động thương mại nông sản tại Trung Quốc bị đình trệ và tụt giảm nghiêm trọng thời gian qua.
Thanh long Việt Nam tập kết ở khu giao dịch thanh long tại Bằng Tường (Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc). |
Để phục vụ công tác ứng phó với dịch, Trung tâm giao dịch nông sản Giang Nam (tỉnh Quảng Tây) là thủ phủ đầu mối trung chuyển nông sản nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sẽ phải nghỉ giao dịch tới hết ngày 8/2/2020.
Đồng thời, việc giao dịch các cặp chợ biên giới vốn là phương thức giao dịch phổ biến giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng bị hạn chế giao thương đến hết ngày 8/2/2020. Điều này dẫn tới một số doanh nghiệp cung ứng nông sản, thực phẩm cho TP Vũ Hán, nơi “tâm dịch” đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết qua nắm bắt thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam buộc phải hủy đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt thời gian gần đây nhất là mặt hàng thanh long ruột đỏ.
Thanh long ruột đỏ tại các tỉnh phía Nam của nước ta vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc để tiêu thụ cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, việc ảnh hưởng do dịch bệnh đã khiến hoạt động xuất khẩu mặt hàng này bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Ví dụ Tập đoàn Hồng Thái Dương của phía Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu từ 30-40% lượng thanh long của tỉnh Long An đã phải hủy một số đơn hàng khoảng 300 container, tương đương khoảng 6.000 tấn. Mặc dù Cty này cũng đã phải đền bù do hủy đơn hàng cho đối tác phía Việt Nam khoảng 50 triệu đồng/container, nhưng vẫn không đủ bù đắp được thiệt hại cho bà con nông dân do đơn hàng bị hủy.
Thanh long Việt Nam tập kết tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chờ thông quan. Ảnh: Tùng Đinh |
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã sớm dự báo được những khó khăn về hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch viêm phổi virus corona. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương có vùng sản xuất thanh long trọng điểm tại phía Nam rà soát, thống kê chi tiết sản lượng, thời vụ, kịp thời nắm bắt và cập nhật diễn biến tình hình thị trường nhằm có giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, đợt thu hoạch chính vụ tại các tỉnh phía Nam nước ta tính tới rằm tháng Giêng (tức tới ngày 8/2/2020) sẽ vào khoảng 21.600 tấn thanh long ruột đỏ; Từ 8/2/2020 đến 28/2/2020 sẽ vào khoảng 54 nghìn tấn và từ đầu tháng 3/2020 sẽ vào rộ vụ thu hoạch thanh long ruột đỏ tại tỉnh Tiền Giang với tổng sản lượng khoảng 10 nghìn tấn.
Đối chiếu với lịch nghỉ Tết của Trung Quốc, mặc dù các cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ quay lại làm viêc bình thường từ 3/2/2020. Tuy nhiên, các chợ đầu mối và trung tâm giao dịch - nhập khẩu nông sản của Trung Quốc sẽ chỉ hoạt động trở lại từ ngày 9/2/2020. Vì vậy trong khoảng thời gian từ nay đến ngày 9/2/2020, hoạt động thông thương, xuất khẩu nông sản nói chung, trong đó đặc biệt là mặt hàng thanh long từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, ùn ứ nguồn cung cục bộ.
Trước việc ảnh hưởng bất khả kháng bởi dịch bệnh viêm phổi cấp virus corona, hiện Bộ NN-PTNT đã và đang rốt ráo triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ. Một là rà soát toàn bộ hệ thống và năng lực kho lạnh có khả năng dự trữ, bảo quản mặt hàng thanh long. Qua rà soát cho thấy hiện hệ thống kho lạnh trọng điểm tại phía Nam công suất chưa lớn. Riêng tỉnh Long An có 154 cơ sở sơ chế đóng gói trái cây nhưng hệ thống kho lạnh chỉ đáp ứng được cho nhu cầu dự trữ khoảng 12.000 tấn...
Vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ sớm làm việc và có văn bản đề nghị các doanh nghiệp chế biến nông sản tăng cường công suất, thu mua, chế biến, lưu kho mặt hàng thanh long nhằm giảm áp lực nguồn tiêu thụ cho nông dân, xem đây cũng là cơ hội để đẩy mạnh khâu chế biến cho nông sản Việt Nam...
Bộ NN-PTNT sẽ khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cục bộ cho thanh long do ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp virus corona |
Bên cạnh đó, thời gian sớm nhất, Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị Bộ Công thương rà soát hệ thống các doanh nghiệp logistic nhằm huy động, tận dụng tối đa các hệ thống kho lạnh tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây dự trữ mặt hàng thanh long nói riêng cũng như các mặt hàng khác. Hai bộ cũng sẽ sớm họp bàn giải pháp nhằm huy động các hệ thống siêu thị, bán lẻ tăng cường tiêu thụ nội địa.
Hôm nay (31/1), Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát lại toàn bộ thời vụ thu hoạch, sản lượng, chủng loại các vùng, tới từng huyện, xã sản xuất các mặt hàng trái cây chủ lực xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm sớm có giải pháp chủ động tiêu thụ. Song song đó, Bộ cũng khuyến cáo bà con nông dân, các HTX, doanh nghiệp trong làm ăn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần phải có hợp đồng tiêu thụ chặt chẽ, tránh những rủi ro.
Dài hơn, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trước mắt, trong khuôn khổ Hội chợ GULFOOD Dubai tại UAE vào giữa tháng 2/2020 tới, đoàn Việt Nam sẽ tranh thủ cơ hội mở rộng, tìm kiếm bạn hàng do đây là một sự kiện nằm trong top đầu các hội chợ chuyên ngành thực phẩm, nông sản trên thế giới và lớn nhất tại Trung Đông.
Theo Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn