Đang chăm sóc những con cua biển dưới đầm, ông Nguyễn Đắc Anh (60 tuổi, thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh) phấn khởi cho biết: “Vụ này, gia đình tôi thả 2.000 con cua, sau khi chăm sóc còn lại khoảng 1.600 con và gia đình tôi hiện đang xuất bán cho khách hàng với giá dao động từ 280.000 – 380.000 đồng/kg (tùy loại). Riêng sáng hôm nay (16/8) tôi chỉ bán vài con đã cho thu nhập trên 600.000 đồng...".
Cua nhà ông Anh nuôi trong đầm đạt trọng lượng đạt từ 3 – 4 con/kg, trung bình giá trên 90.000 đồng/con. Nhẩm tính vụ này gia đình ông thu khoảng 4 tạ cua biển và doanh thu mang lại trên 110 triệu đồng”.
Sau thời gian nuôi từ 4- 4,5 tháng, cua trong đầm nhà ông Anh đạt trọng lượng từ 3- 4 con/kg
Theo ông Anh, nếu mọi năm giá cua biển thương phẩm bán ra chỉ từ 95.000 – 180.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu tiêu thụ mạnh, lượng cua khan hiếm trên thị trường nên giá bán ra có phần cao hơn.
Ông Anh chia sẻ: “Với diện tích 3 sào, trước đây gia đình tôi đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng, do làm ăn không có hiệu quả, nên gia đình quyết định chuyển sang nuôi cua biển kết hợp với nuôi cá đối mục. Riêng trong năm 2018, với số lượng thả nuôi 2.000 con cua, gia đình tôi chỉ thu được khoảng 3 tạ cua. Năm nay, do chăm sóc bài bản, cộng với thời tiết thuận lợi nên năng suất vượt trội”.
Vụ này ông Nguyễn Đắc Anh phấn khởi, bởi giá cua tăng cao dao động từ 280.000 - 380.000 đồng/kg
Chỉ tay vào đầm nuôi cau của mình ông Anh nói, ngoài cua biển, trong đầm còn 2.000 con cá đối mục đang ở giai đoạn phát triển tốt. Nếu thời tiết và thị trường thuận lợi thì vài tháng nữa xuất bán với giá bình quân 100.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng trên 100 triệu đồng.
Việc nuôi cua biển, kết hợp với cá đối mục đang mang lại hiệu quả bất ngờ và có nhiều ưu điểm. Đặc biệt, cho cua biển chung ao với cá đối mục góp phần giảm chi phí trong quá trình chăm sóc, tiết kiệm được thời gian, ít rủi ro và giảm thiểu ô nhiễm môi trường – ông Nguyễn Đắc Anh cho biết thêm.
Cua biển đang được các chủ vựa, nhà hàng ở tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ mạnh, giá bán cua biển đang ở mức khá cao khiến người nuôi cua như ông Anh phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn ẤT – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Lập cho biết, trước đây bà con nông dân chủ yếu nuôi tôm. Tuy nhiên, do sau khi xuất bán xong không có lãi, giá cả vật tư tăng cao nên nhiều hộ chuyển sang nuôi cua biển theo hình thức xen canh, tức nuôi cua biển xen canh với cá đối mục. Phong trào nuôi cua biển đã phát triển khoảng 3 năm trở lại đây và hiện nay địa phương có trên 10 hộ áp dụng nuôi xen canh với các đối tượng khác như nuôi cua biển xen canh cá đối mục.
Ông Nguyễn Văn Ất nhận xét, mô hình nuôi cua kết hợp xen canh các loại thủy sản khác mở ra nhiều triển vọng, giúp nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven biển. Hàng năm, Hội Nông dân xã luôn tạo điều kiện cho hội viên vay các nguồn vốn để đầu tư phát triển mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản và đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tập huấn kỹ thuật giúp người dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi cua biển, kinh nghiệm nuôi cua biển...
Theo Công Tâm/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn