Những dự án ngàn tỷ
Chưa đầy một năm kể từ khi giai đoạn I của Dự án Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu có tổng vốn đầu tư 410 tỷ đồng được khánh thành tại Long An, Công ty cổ phần Nafoods Group đã tính chuyện làm dự án quy mô 3.000 tỷ đồng tại Tây Ninh.
Nhà máy chế biến rau củ quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao (Doveco) |
Lễ ký kết bản ghi nhớ mới đây giữa Nafoods Group và tỉnh Tây Ninh để doanh nghiệp này đầu tư Tổ hợp nhà máy sản xuất, chế biến trái cây xuất khẩu và phát triển vùng nguyên liệu cây ăn trái an toàn, được xem như cam kết mạnh mẽ của Nafoods Group trong việc trở thành nhà sản xuất, xuất khẩu trái cây chuyên nghiệp.
Theo lộ trình, sau vùng nguyên liệu trái cây đáp ứng tối thiểu 150 tấn/ngày, Nafoods Group sẽ đầu tư xây dựng Tổ hợp Nhà máy sản xuất, chế biến tại tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn 2019 - 2023, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD/năm. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods Group cho biết, chiến lược của Nafoods Group trong dự án tại Tây Ninh là tạo ra 60% sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGap và 40% sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ để phục vụ xuất khẩu.
Trong làn sóng đầu tư sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, đầu năm nay, Tập đoàn TH cũng đã đầu tư 1.200 tỷ đồng khởi công nhà máy chế biến trái cây, với công suất chế biến 100 tấn/ngày tại bản Co Chàm, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ chế biến cam, nhãn, xoài, chanh leo, sơn tra thành các sản phẩm nước ép, nước trái cây cô đặc, nước cam, nhãn, chanh leo đóng chai.
Một dự án chế biến sâu rau quả do Công ty cổ phần Lavifood đầu tư tại tỉnh Tây Ninh cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện để đưa vào hoạt động trong tháng 11/2018. Với tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, trên diện tích 15 ha, Nhà máy Tanifood Tây Ninh sử dụng công nghệ sản xuất của Đức, Italy, Nhật Bản…
Nhà máy Tanifood bao gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm.
Khép kín chuỗi sản xuất
Đầu tư chế biến sâu giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam, nhưng đó cũng là khâu yếu của ngành nông nghiệp. Bởi vậy, dù mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu tấn rau, 15 triệu tấn quả, nhưng chỉ có khoảng 10% trong số này được chế biến.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018 - 2020, ngành nông nghiệp sẽ có cơ chế thu hút đầu tư, để có thể khởi công thêm 10 nhà máy chế biến rau quả ở 6 vùng kinh tế trọng điểm, với công suất cao và công nghệ hiện đại. Các nhà máy sẽ liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu của nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn chế biến với thị trường.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, điểm yếu của sản xuất rau quả hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, có những lúc chính vụ, nông sản dư thừa, phải giải cứu. Các vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến được đầu tư sẽ giảm bớt giải cứu nông sản, tăng giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.
Đến thời điểm này, sau 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt 3,3 tỷ USD. Ngành rau quả xuất khẩu đang ngắm mốc 5 tỷ USD trong năm 2019 và mốc 10 tỷ USD sẽ không quá xa, khi đang có gần chục nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu, với tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, chuẩn bị đưa vào vận hành. Đó là Trung tâm Chế biến rau quả Doveco tại Tây Nguyên do Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao (Doveco) làm chủ đầu tư; Nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả xuất khẩu có vốn đầu tư 200 tỷ đồng tại Mộc Châu của Nafoods…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn