Nhờ phát triển kinh tế tổng hợp VAC, nhiều hội viên Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang có thu nhập hàng trăm triệu, không ít hộ có thu vài tỷ đồng mỗi năm, góp phần thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Từ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp VAC, cùng với sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp, Hội Làm vườn cơ sở, những năm gần đây, nhiều hội viên Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang có thu nhập hàng trăm triệu, không ít hộ có thu vài tỷ đồng mỗi năm, góp phần thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Dám nghĩ, dám làm
Nhờ dám nghĩ, dám làm, hội viên Nguyễn Văn Huy dự kiến mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trái vụ.
So với nhiều hội viên Hội Làm vườn khác thì thu nhập của gia đình anh Nguyễn Văn Huy, ở thôn Thuận, xã Tân Thanh (Lạng Giang) chưa thực sự cao. Tuy nhiên, anh lại có cách nghĩ và hướng đi riêng. Thay vì trồng cây có múi, năm 2016, anh Huy đầu tư trồng 3.000m2 thanh long ruột đỏ - loại cây rất ít hộ ở địa phương trồng. Do vậy, kỹ thuật để anh học hỏi gần như bằng không.
Anh Huy tâm sự: Kỹ thuật chuyên môn không có, giống, vốn mình cũng không. Trước khi trồng, mình đã học hỏi qua sách, báo, internet, đặc biệt đi giao lưu, học hỏi ở nhiều địa phương khác. Sau khi có kỹ thuật trong tay, tôi bàn với vợ vay Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) 100 triệu đồng mua phân bón, thuê đất, thuê lao động để trồng thanh long.
“Năm 2018, vườn thanh long cho thu hoạch 4 tấn, bán với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, gia đình thu về 80 triệu đồng. Năm 2019, sản lượng tăng lên 12 tấn, giá bán loại 1 lên tới 30.000 - 35.000 đồng/kg; trừ chi phí, lãi khoảng 170 triệu đồng. Thanh long ruột đỏ cây khỏe, ít bệnh, quả vỏ mỏng, độ ngọt cao, năng suất có thấp nhưng giá bán cao lại dễ tiêu thụ”, anh Huy cho biết.
Không dừng lại ở việc đưa giống cây mới vào trồng, Huy còn mạnh dạn trồng thí điểm 200m2 thanh long trái vụ. Bước đầu gặp nhiều khó khăn do khí hậu ở miền Bắc lạnh, nhiệt độ thấp, lượng ánh sáng ít, anh phải tăng thời gian chiếu sáng bằng đèn sợi đốt. Cách làm này sẽ tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, 200m2 thanh long trái vụ cho tới 300kg quả, giá bán trung bình 70.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi 15 triệu đồng, lợi nhận gấp đôi so với cho ra trái đúng vụ.
Ngoài trồng thanh long, năm 2016, Huy còn trồng 300m2 nấm sò, mỗi năm bán ra thị trường 12 tấn, giá bán 25.000 đồng/kg, thu về gần 100 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 10 lao động thời vụ.
Không dừng lại ở đó, mới đây, Huy tiếp tục đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà kính để trồng dưa, hứa hẹn những thành công mới.
Tiên phong trồng bưởi, thu tiền tỷ
Trong khi vải thiều đang bán với giá cao, 8.000 - 10.000 đồng/kg, năm 2003, anh Phạm Huy Nhò, thôn Trường Thịnh, xã Quang Thịnh (Lạng Giang), lại tiên phong chuyển đổi từ cây vải sang trồng 50 gốc bưởi Diễn (600m2). Sau 3 năm trồng, bưởi Diễn bắt đầu cho trái bói, do quả nhỏ nên giá bán chỉ 11.000 - 12.000 đồng/quả. Những năm sau, bưởi ra nhiều, quả to, đều, nên bán được giá, có thời điểm lên tới 24.000 đồng/quả; bình quân cho thu 72-74 triệu đồng/năm.
Anh Nhò tâm sự, tôi là công nhân của Nông trường Cam Bố Hạ, nhận đất của nông trường để trồng bưởi, lại là hộ đầu tiên trồng nên chưa tiếp cận được vốn ưu đãi. Đến năm 2007, tôi trồng thêm 250 gốc bưởi Diễn và gần 100 gốc bưởi Phúc Trạch, bưởi Tân Lạc (Hòa Bình). Năm 2019, sản lượng bưởi ước đạt khoảng 10.000 quả, giá bán trung bình 20.000 đồng/quả, trừ chi phí, ước thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Giờ đây, thương lái đến tận nhà thu mua bưởi.
Ngoài trồng bưởi, anh Nhò còn nuôi 4.000 con gà Mía, gà lai chọi, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng.
Năm 2019, từ nuôi gà và trồng bưởi, anh Nhò ước thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Trồng bưởi, ổi theo hướng hữu cơ
Cũng trồng bưởi, trồng ổi nhưng anh Nguyễn Văn Khánh, thôn Bãi Lời, xã Tam Di (Lục Nam) lại chọn cho mình cách trồng theo hướng hữu cơ. Hiện, anh Khánh có 5ha bưởi (1,5ha trồng năm 2007, 1,5ha năm 2020 ra trai bói) và 2ha ổi Thái (trồng năm 2016). Với 1,5ha bưởi đang cho thu hoạch, trừ chi phí, năm 2019, anh ước thu lãi khoảng 400 triệu đồng cùng với 200 triệu đồng lãi từ 2ha ổi Thái.
Anh Khánh tâm sự, trước đây gia đình hay dùng hóa chất để trị bệnh cho cây. Sau mỗi lần phun, tôi thấy sợ, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe người tiêu dùng. Bốn năm nay, bưởi và ổi của gia đình được trồng theo hướng hữu cơ như: dùng phân gà Nhật bón cho cây; dùng thảo dược (gừng, tỏi, ớt), ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, nếu phải dùng thì chỉ dùng thuốc sinh học để phòng trị bệnh, do vậy, chất lượng quả được đảm bảo.“Trồng theo hướng hữu cơ chi phí đầu tư cao hơn nhưng có nhiều lợi ích như: đất không thoái hóa, bạc màu, cây kháng bệnh tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn, mẫu mã tuy không bắt mắt nhưng chất lượng tốt hơn, giá bán và hiệu quả mang lại cao hơn. Thời gian tới, tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm chứng nhận sản phẩm bưởi, ổi hữu cơ”, anh Khánh cho biết.
Anh Khánh cho biết thêm, tôi tham gia Hội Làm vườn năm 2009. Tôi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội tổ chức. Sau mỗi lớp tập huấn, tôi đều áp dụng vào vườn cây như: nhìn vào cây biết cây đang thiếu chất gì, bón phân khi nào, từ đó có thể bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho cây.
Năm 2015, anh Khánh tiếp tục tham gia Câu lạc bộ trang trại cây có múi thuộc Hội Làm vườn Bắc Giang, trong đó, anh là Ủy viên, Chủ nhiệm phụ trách nhóm câu lạc bộ huyện Lục Nam. Lúc này, anh có điều kiện để mời hội viên đến khảo sát mô hình thực tế tại gia đình, từ đó giúp họ thấy sự khác biệt khi trồng theo hướng hữu cơ. Đến nay, nhiều hội viên đã học tập, làm theo, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Tháo gỡ khó khăn
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Huy tâm sự, hiện gia đình đang thiếu vốn, thiếu đất để mở rộng quy mô sản xuất. Rất mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện, gỡ khó cho nông dân.
Cùng chung khó khăn về vốn, anh Phạm Huy Nhò cho biết, nguồn vốn tiếp cận quá khó. Tôi tha thiết mong các cấp chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi vay được nguồn vốn dài hạn, ít nhất 3-5 năm, để đầu tư phát triển kinh tế.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Khánh lại mong muốn các cơ quan chức năng sớm xem xét cấp giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, khi hội viên tham gia vào Hội Làm vườn chưa thấy được quyền lợi của mình nên chưa tin tưởng, chưa mặn mà. Hội Làm vườn các cấp cần tìm đầu mối, các nhà đại lý cung cấp vật tư đầu để hội viên được mua với giá gốc, chất lượng tốt; chủ động xây dựng thương hiệu, đầu mối, tìm đầu ra cho sản phẩm của hội viên.
Ông Hà Văn Hồng, Phó chủ tịch HLV huyện Lạng Giang, cho biết, đội ngũ cán bộ đều kiêm nhiệm, kinh phí hoạt động của Hội các cấp rất khó khăn, nhất là cấp xã. Việc hỗ trợ xây dựng mô hình còn hạn chế. Việc chuyển đổi, thuê đất để hội viên mở rộng mô hình còn nhiều khó khăn. Một số cán bộ Hội chưa nắm vững về kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi...
Về hướng tháo gỡ, ông Hồng cho biết, cán bộ từ cấp xã đến huyện phải là cán bộ có trình độ nhất định, hiểu biết về VAC. Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ về kinh phí cho cán bộ kiêm nhiệm. Hỗ trợ pháp lý về đất đai, có chính sách cởi mở cho hội viên thuê đất làm mô hình. Tạo điều kiện cho hội viên vay vốn dài hơi với lãi suất phù hợp để đầu tư phát triển sản xuất hiệu quả...