Phát huy vai trò nông dân
Bà Cao Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội ND tỉnh Điện Biên cho biết: Phát huy vai trò của các hội viên, nông dân trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường, Hội ND tỉnh Điện Biên đã tuyên truyền tới các cấp hội, hội viên đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, đô thị; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng nhóm nông dân tham gia bảo vệ môi trường, các tổ bảo vệ, quản lý công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư tại khu dân cư…
Nông dân Điện Biên tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Ảnh: Bảo Anh
Ngoài ra, Hội ND tỉnh Điện Biên còn quan tâm công tác xử lý chất thải chăn nuôi, tạo môi trường sống trong lành cho các hội viên. Một trong những giải pháp hữu hiệu được thực hiện là xây hầm biogas quy mô hộ gia đình. Từ đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng mô hình biogas. |
“Giai đoạn 2013 đến năm 2016, từ nguồn vốn sự nghiệp môi trường, Hội ND tỉnh Điện Biên đã tổ chức 6 lớp tập huấn và 4 lớp tuyên truyền cho trên 1.000 lượt hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh nâng cao kiến thức về Luật Bảo vệ môi trường. Năm 2018, Hội ND tỉnh phố hợp Trung tâm môi trường T.Ư Hội ND Việt Nam tập huấn cho 90 hội viên nông dân về sử dụng đệm lót sinh học và triển khai thí điểm cho 25 hộ sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi tại phường Mường Thanh, TP.Điện Biên Phủ.
Năm 2019, Hội ND tỉnh tiếp tục phối hợp Trung tâm Môi trường nông thôn T.Ư Hội ND Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, cải thiện điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cho 200 cán bộ, hội viên, nông dân TP.Điện Biên Phủ và huyện Mường Ảng” - bà Cao Thị Tuyết Lan thông tin.
Để nâng cao ý thức của hội viên nông dân trong việc bảo vệ môi trường, từ năm 2017, Hội ND tỉnh Điện Biên cũng đã phát động ngày 14 hàng tháng là ngày hội viên, nông dân ra quân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực cộng cộng; thu gom rác thải, bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định... Từ đó, góp phần giúp hội viên nông dân hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ môi trường.
Sạch từ nhà ra đồng
Tại huyện Điện Biên, công tác bảo vệ môi trường được các cơ sở hội và chi hội, hội viên nông dân chú trọng quan tâm. Để hạn chế tình trạng xả thải các loại hóa chất độc hại ra môi trường, Hội ND các xã đã vận động bà con nông dân không vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; xây dựng bể chứa, xử lý rác thải, vỏ bao, chai thuốc bảo vệ thực vật.
Điểm sáng đáng chú ý trong phong trào nông dân thi đua bảo vệ môi trường nông thôn là các cấp Hội ND huyện Điện Biên đã tích cực vận động hội viên, nông dân sản xuất các sản phẩm nông sản an toàn.
Xã Noong Luống, huyện Điện Biên có khoảng 30ha đất chuyên canh sản xuất rau, trong đó phần lớn là bãi phù sa ở khu vực ven sông Nậm Rốm, mỗi năm có thể trồng từ 3 - 4 vụ rau. Từ năm 2016, Hội ND xã Noong Luống đã vận động hội viên, nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn GAP cơ bản với trên 70 hộ gia đình tham gia với diện tích đất 7.5ha. Thông qua cầu nối giữa Hội ND xã Noong Luống, cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh xuống tập huấn, hướng dẫn bà con trồng rau theo tiêu chuẩn GAP cơ bản. Các hộ tuân thủ quy trình làm đất, kỹ thuật gieo giống, đặc biệt là thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải từ 7 ngày trở lên mới được thu hoạch.
Chị Phạm Thị Hoà (ở thôn A 1) có hơn 2.000m2 đất để tham gia mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn GAP cơ bản. Theo chị Hòa thì rau được bà con trồng là rau sạch, áp dụng đúng quy trình GAP cơ bản được hướng dẫn, từ khâu chọn giống, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón... vì thế rau Noong Luống được khách hàng ưa chuộng.
Hướng đến việc ổn định đầu ra và giá thành hợp lý cho cây rau, đầu năm 2018, Hội ND xã hướng dẫn các hộ đã liên kết thành lập HTX trồng rau an toàn thôn A1, xã Noong Luống với 20 thành viên tham gia, canh tác rau sạch trên diện tích 2,5ha.
Bà Trần Thị Lê - Phó Giám đốc HTX cho biết: Bước đầu các thành viên HTX sẽ tập trung canh tác, trồng rau theo đúng quy trình GAP cơ bản; tiến tới sẽ thực hiện ký cam kết với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Điện Biên để công nhận là HTX sản xuất rau an toàn. Bước tiếp theo HTX tập trung mở rộng quy mô, xây dựng nhà lưới, hướng đến quy trình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP bền vững.
Theo Đức Thịnh/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn