Các con số thống kê, phân tích thể hiện, lâm sản ngoài gỗ chiếm một vị trí quan trọng trong xu thế phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với cải thiện sinh kế của gần 25 triệu đồng bào dân tộc sống trong và gần rừng miền núi Việt Nam. Ở nhiều nơi, thu nhập từ lâm sản ngoài gỗ chiếm tới 30% trong thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Nghiên cứu giống tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ. |
“Nếu quản lý và phát triển tốt nguồn tài nguyên này thì vai trò và nguồn lợi của chúng là hoàn toàn không nhỏ, thậm chí còn lớn hơn cả gỗ”, ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) khẳng định.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu về chọn giống, kỹ thuật trồng quế của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Phát triển Hà Lan, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây quế cho nhiều địa phương ở miền núi phía Bắc, điển hình là tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Đến nay, hầu hết các hộ đã biết kỹ thuật thâm canh loài cây này.
Sau khi trồng 5 - 6 năm, cây quế có đường kính khoảng 4 - 5cm, chiều cao từ 4 - 5m, tán giao nhau và có sự phân hóa rõ rệt. Lúc này người trồng sẽ tiến hành tỉa thưa lần 1 với cường độ 25 - 30% so với mật độ ban đầu để lấy cành lá chưng cất tinh dầu. Sau 8 - 10 năm, cây có đường kính trên 8cm, chiều cao trên 7m, tán giao nhau, tiếp tục tỉa thưa lần 2 với cường độ 20 - 30% so với mật độ ban đầu để lấy vỏ và cành lá. Sau khi cây quế từ 12 - 15 năm trở đi, tiến hành khai thác vỏ.
Tính cả chu kỳ kinh doanh cây quế, năng suất đạt trung bình 12,8 tấn vỏ khô/ha, 25 - 30 tấn cành lá/ha. Tổng doanh thu cả chu kỳ (15 năm) đạt 800 - 900 triệu đồng. Bình quân thu hàng năm là 60 triệu đồng/ha, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận đạt tới 40 - 50 triệu đồng/ha. Trong khi trước đây, trồng cây quế chỉ thu hàng năm 25 - 30 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lợi nhuận đạt 10 - 15 triệu đồng/ha. Từ năm 2013 đến nay, tổng diện tích trồng quế ở một số tỉnh miền núi phía Bắc điển hình là Lào Cai, Yên Bái đã tăng lên rất nhanh.
Cây ba kích hay được gọi là mã kích, cây ruột gà, là dược liệu quý, có nhiều công dụng và có giá trị xuất khẩu cao.
Ba kích trồng dưới tán rừng và đang được phát triển ở nhiều địa phương, nhất là Quảng Ninh. Ở Mường Khương (Lào Cai), cây ba kích mọc tự nhiên trong rừng được thu hái đến nay gần như đã tuyệt chủng.
Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã nghiên cứu thành công nhân giống ba kích bằng phương pháp invitro, bước đầu trồng khảo nghiệm thành công ở Mường Khương. Sau 18 tháng gây trồng, mô hình đạt trung bình khoảng 0,8 tấn củ/ha, nếu tính theo giá hiện nay là 200.000 đồng/kg củ thì giá trị kinh tế trung bình ước đạt khoảng 120 - 160 triệu đồng/ha. Dự kiến, sau 3 năm gây trồng, ba kích đạt 1,5 - 2 tấn củ/ha, giá trị kinh tế trung bình ước đạt 300 - 400 triệu đồng/ha.
Ở Việt Nam, sa nhân đã được biết đến từ rất lâu đời, là vị thuốc cổ truyền trong y học dân tộc. Nghiên cứu về giống sa nhân cho thấy, chi Sa nhân trên thế giới có khoảng 34 loài khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định có khoảng 30 loài, nhưng không phải loài nào cũng cho quả có giá trị làm thuốc và làm gia vị. Các nhà khoa học đã xác định ở nước ta chỉ có 4 loài cho năng suất và chất lượng quả cao, có giá trị sử dụng và thương mại, gồm: Sa nhân tím, sa nhân đỏ, sa nhân hoa thưa và sa nhân thân cao hay còn gọi là sa nhân trắng.
Hướng dẫn bà con trồng sa nhân tím dưới tán rừng ở xã Phú Đao, Nậm Nhùn, Lai Châu. Ảnh: Công Tuyên. |
Trong đó, sa nhân tím là loài cây có biên độ sinh thái rộng, có thể trồng được từ vùng đồng bằng đến trung du, có khả năng ra hoa kết hạt 2 lần/năm và liên tục trong nhiều năm, cho năng suất quả cao, ổn định. Đặc biệt, sa nhân tím có hàm lượng tinh dầu trong hạt cao hơn (>3%) so với các loài cây sa nhân khác (1,7 - 3%), nên thường được thị trường ưa chuộng hơn và được gây trồng phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Lào Cai, Thái Nguyên...
Trước đây, do chưa hiểu biết nhiều về cây sa nhân, đặc biệt là cây sa nhân tím, người dân thường chỉ thu hái trong rừng tự nhiên là chính. Kể từ năm 2004 đến nay, bằng sự nỗ lực của tập thể cán bộ khoa học Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, cây sa nhân tím đã được chọn giống, nhân giống, trồng thành công tại Hoành Bồ (Quảng Ninh) với năng suất ước đạt trung bình khoảng 400 - 450kg quả tươi/ha, nếu tính theo giá hiện nay là 100.000 đồng/kg quả tươi thì giá trị kinh tế trung bình ước đạt khoảng 40 - 45 triệu đồng/ha.
Giống sa nhân tím của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật và đã chuyển giao cho nhiều địa phương điển hình như Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Nam... Diện tích sa nhân tím đã không ngừng gia tăng trên cả nước, hiện ước đạt 5.000ha. Tiêu biểu là mô hình trồng sa nhân tím tại Sốp Cộp, Sơn La với tổng diện tích lên tới 200ha và mô hình trồng sa nhân tím ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, tổng diện tích đã lên tới hơn 1.000ha, tổng sản lượng ước đạt 300 tấn mang lại giá trị kinh tế khoảng 45 tỷ đồng.
Hồi là loại cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, chiếm một trong những vị trí hàng đầu trong xuất khẩu và có thể tổ chức sản xuất thành nguồn hàng lớn. Sản phẩm của cây hồi là quả hồi khô và tinh dầu được dùng làm gia vị trong chế biến thực phẩm và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp dược phẩm, hóa mỹ phẩm.
Cây hồi của Việt Nam được đánh là một trong những loài có chất lượng tốt nhất trên thế giới. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, năm 2017 nước ta đã gây trồng được khoảng 60.000ha hồi trong đó có khoảng 3.000ha hồi để lấy lá chưng cất tinh dầu, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Trồng hồi lấy lá để chưng cất tinh dầu được đánh giá là hướng đi mới, quan trọng, phù hợp với nhiều vùng cao ở miền núi phía Bắc do dễ trồng, thời gian cho thu hoạch ngắn, chi phí đầu tư cho chế biến thấp, hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên công nghệ chưng cất tinh dầu hồi từ lá còn rất lạc hậu, các thiết bị chưng cất đều nhập từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch có kết cấu đơn giản và hiệu suất chưng cất thấp.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thực hiện, năm 2014, Trung tâm đã chuyển giao thành công mô hình sản xuất tinh dầu hồi đạt chất lượng xuất khẩu cho HTX chiết xuất tinh dầu hồi xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, quy mô công suất 1.000kg nguyên liệu tươi/mẻ với công nghệ chưng cất tinh dầu hồi từ cành lá sử dụng bộ phận trao đổi nhiệt kiểu ống chùm và bộ phận phân ly cải tiến kết hợp với chặt ngắn nguyên liệu cành lá với kích thước dài 40 - 50cm.
Ứng dụng công nghệ mới này, hiệu suất thu hồi tinh dầu tăng lên ít nhất 20% và hiệu quả kinh tế tăng ít nhất 40% so với công nghệ và thiết bị truyền thống đang được sử dụng ở các địa phương. Quy trình công nghệ chưng cất tinh dầu hồi từ lá do Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ nghiên cứu thành công đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương trên cả nước.
Theo: Phạm Hiếu - Hoành Anh/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn