Đầu tháng 8, hội nghị Tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2012 - 2017 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2018 - 2020 đã diễn ra. Đây được đánh giá là một trong 4 hội nghị quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong năm 2018 cùng với 3 hội nghị đã được tổ chức trước đó về xây dựng NTM kiểu mẫu ở Hà Tĩnh, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Bắc Giang và xây dựng thôn, bản NTM ở các xã khó khăn tại tỉnh Điện Biên.
Cùng với nhiều kết quả về nghiên cứu và mô hình ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) cho các vùng nông thôn, chương trình cũng đã chỉ ra các điểm cần tiếp tục hoàn thiện trong lĩnh vực KHCN phục vụ NTM.
Tín hiệu lạc quan
Các đề tài nghiên cứu trong khuôn khổ Chương trình KHCN phục vụ NTM tập trung cho 4 nhóm giải pháp là: quy hoạch kiến trúc xây dựng cơ sở hạ tầng NTM; chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế xã hội nông thôn; thúc đẩy thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Hai trong số kết quả nổi bật của các công trình nghiên cứu là đã đề xuất ra: Bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ cho 7 lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, môi trường) phục vụ xây dựng NTM và 18 quy trình và giải pháp công nghệ; 38 mô hình thí điểm.
Trong đó có những giải pháp được ứng dụng rộng rãi như: quy trình tưới tiết kiệm nước, giảm phát thải khí metan đã được Tổng cục Thủy lợi đưa vào Đề án phổ biến ứng dụng trên 400.000 ha; 7 công thức luân canh đạt hiệu quả cao cho vùng đồng bằng sông Hồng đã được các địa phương áp dụng trên 10.000 ha, trong đó có quy trình công nghệ sản xuất lúa chét, ngô đông không làm đất; mô hình tự quản về thu gom, xử lý rác thải ở xã NTM được đánh giá cao, được đề xuất triển khai nhân rộng ra nhiều địa bàn quy mô huyện và tỉnh thành phố, như ở huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng; huyện Phong Điền và TP Cần Thơ; huyện Đại Từ và tỉnh Thái Nguyên…
Hình minh họa (Nguồn: Internet) |
Một kết quả nổi bật khác từ chương trình là Xây dựng một số mô hình trình diễn về NTM trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp KHCN. Cụ thể là 147 mô hình (trong đó có 16 mô hình tổ chức quản lý xã hội NTM). Trong đó, đã có một số mô hình liên kết sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt: mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang rau màu ở đồng bằng sông Hồng, mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn quả tại ĐBSCL, mô hình chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang cây dược liệu tại miền núi phía Bắc, mô hình áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và hai loại chế phẩm sinh học cho vườn cà phê ở huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Tiếp tục hoàn thiện
Theo nghiên cứu từ Chương trình KHCN phục vụ NTM, một vấn đề đáng chú ý trong hệ thống nghiên cứu, chuyển giao KHCN phục vụ nông nghiệp nông thôn là nguồn lực đầu tư. Nguồn lực đầu tư KHCN hiện nay được đánh giá là còn thấp so với nhu cầu. Theo đó, kinh phí sự nghiệp KHCN cấp cho Bộ NN&PTNT trong năm 2012 là 876,5 tỷ, chiếm 12,24% tổng sự nghiệp KHCN cả nước. Ở các cấp địa phương, vào năm 2012, kinh phí đầu tư nghiên cứu triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp là khoảng trên 600 tỷ trong tổng kinh phí KHCN được cấp là 1.721,6 tỷ. Theo đó, ngoại trừ các thành phố lớn trực thuộc Trung ương, hầu hết các tỉnh đều có mức đầu tư khoảng 45 – 50% cho nhiệm vụ KHCN nông nghiệp.
Theo báo cáo mới đây từ Bộ Khoa học và Công nghệ tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được Quốc hội thông qua là 69.592 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng (chiếm 44%) và kinh phí sự nghiệp là 38.793 tỷ đồng (chiếm 56%). Đến giai đoạn 2016 - 2018, báo cáo cho biết, chi ngân sách nhà nước cho KHCN được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5% - 0,6% GDP).
Bên cạnh đó, một số vấn đề khác trong hệ thống nghiên cứu, chuyển giao KHCN phục vụ nông nghiệp nông thôn cũng được các nghiên cứu thuộc chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM nhắc đến như: mạng lưới chuyển giao KHCN đa dạng phủ kín từ Trung ương đến địa phương, chủ yếu thông qua hệ thống khuyến nông, nhưng nguồn lực và hiệu quả còn hạn chế; đầu tư cho chuyển giao KHCN tăng nhưng dàn trải.
Theo đó, chương trình nghiên cứu đã đề ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao KHCN về nông nghiệp, nông thôn như: đổi mới cơ chế quản lý KHCN tạo điều kiện cho nguồn lực KHCN phát triển, đặc biệt là nguồn nhân lực, nên chuyển trọng tâm từ quản lý ngặt đầu vào sang quản lý đầu ra, ràng buộc trách nhiệm của người làm khoa học với sản phẩm nghiên cứu và kết quả chuyển giao; tăng cường năng lực và hiệu quả công tác chuyển giao thông qua việc kiện toàn hệ thống khuyến nông, nâng cao trình độ cán bộ khuyến nông, đẩy mạnh xã hội hóa công tác chuyển giao
Châu Nhi/http://nongthonviet.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn