Khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình sáng 24-2.
Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình có quy mô đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000 ha. Trong đó, diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn TH đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.
Toàn bộ diện tích đất của dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho một lao động tham gia sản xuất tại các dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn.
Tại buổi lễ, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH cho biết, ngay từ khi triển khai Dự án sữa tươi sạch TH true Milk, tập đoàn TH đã xác định: “Công nghệ cao là chìa khóa vàng cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Trong nông nghiệp công nghệ cao, không thể lấy trụ cột là nông dân mà phải bằng chính sách để lôi kéo những doanh nhân có đủ tâm, trí, lực vào lĩnh vực này. Chính doanh nghiệp mới là trụ cột, tạo hiệu ứng để định hướng cho nông dân đi cùng”.
Cùng với việc khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình, tập đoàn TH đã thành lập Viện Nông nghiệp hữu cơ; sáng lập Hiệp hội Nông nghiệp công nghệ cao, tạo môi trường cho các nhà khoa học “xắn tay” vào giúp nông dân. Các nhà khoa học của Viện đang có ý tưởng xây dựng dự án thành Khu nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu tại Thái Bình, tạo mô hình để cho nông dân tham quan, học tập nắm bắt được cách sản xuất nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, đưa hàm lượng chất xám cao vào sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp hết sức quan tâm, dốc sức triển khai. Đây được xem là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương. Phó Thủ tướng yều cầu các địa phương nói riêng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp chú trọng và tạo điều kiện việc làm cho lao động các địa phương thuộc vùng dự án, để mỗi dự án công nghệ cao không chỉ mang tới lợi ích cho doanh nghiệp, cho quốc gia, mà còn trực tiếp cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân.
Hiện, UBND tỉnh Thái Bình đã chủ động quy hoạch những khu đất liền vùng liền thửa có diện tích lớn. Riêng tại huyện Vũ Thư, chính quyền địa phương đã sẵn sàng bàn giao những khu đất nông nghiệp sạch liền vùng, liền thửa rộng tới 500 ha. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), cho biết cái khó khi thực hiện dự án này là việc tích tụ ruộng đất, do vậy các cán bộ địa phương phải tuyên truyền cho người dân nắm được việc thực hiện giao đất hoãn lại cho doanh nghiệp sẽ góp phần tăng giá trị và năng suất cao đồng thời người dân còn được thụ hưởng lợi ích thông qua việc cho thuê đất này.
“Bình thường mảnh đất người nông dân sản xuất họ vẫn phải chịu những phi phí và việc phải phụ thuộc thiên nhiên cho nên năng suất và sản lượng của người nông dân không ổn định, trong khi việc bàn giao cho tập đoàn TH thì năng suất và sản lượng người dân được hưởng đã nắm chắc trong tay, tức là chưa làm người ta cũng đã có một khoản thu nhập ổn định. Ngoài ra, nếu còn nằm trong độ tuổi lao động thì người dân có thể tham gia để sản xuất cho doanh nghiệp. Từ đó, người dân thấy rõ được quyền lợi của mình và những ưu đãi do đó việc tích tụ ruộng đất được thực hiện thuận lợi hơn,” Chủ tịch Nguyễn Văn Thụ nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn