Đó là những kết quả nổi bật mà chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại cho huyện Lập Thạch thời gian qua.
*Phát triển kinh tế là khâu then chốt
Là một trong những huyện khó khăn, Lập Thạch bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm rất thấp. Toàn huyện có 18 xã và 2 thị trấn; trong đó, phần lớn đều là xã nghèo khó khăn, hệ thống cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi còn yếu và thiếu... ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện.
Ông Hà Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết, rào cản lớn nhất đối với việc xây dựng nông thôn mới tại Lập Thạch là nguồn kinh phí để triển khai chương trình. Thực tế, đời sống của người trên địa bàn huyện vẫn còn khá nhiều khó khăn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách.
Do đó, khi bắt tay thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, chính quyền huyện xác định việc xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân là yếu tố then chốt để hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Lập Thạch đã quy hoạch phát triển sản xuất theo từng vùng. Vì vậy sản xuất nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Vì vậy, huyện Lập Thạch tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả chất lượng. Trong đó phải kể đến mô hình trồng thanh long ruột đỏ, chanh tứ quý, bưởi diễn; các giống lúa mới...
Không những thế, trên địa bàn huyện đã hình thành nên những vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung như: Trồng mía nguyên liệu trên đất đồi gò bạc màu tại 2 xã Quang Sơn và Ngọc Mỹ; cây dâu tằm tập trung tại các xã Thái Hoà, Bắc Bình, Hợp Lý…
Song song với việc chuyển đổi cây trồng, nhiều mô hình chuyển đổi trong chăn nuôi cũng được người dân trên địa bàn huyện áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi bò sữa, lợn gia cầm.
Đến nay, toàn huyện đã cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 52 trang trại, gia trại chăn nuôi và 7 trang trại tổng hợp. Các trang trại này áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên hiệu quả đạt khá cao, giá trị thu nhập từ 200 - 250 triệu/ha, nhiều trang trại, mô hình đạt từ 300 - 350 triệu/ha/năm.
*Bộ mặt nông thôn khởi sắc
Từ việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, thu nhập của nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện, nâng cao. Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, tạo nên phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới phát triển sâu rộng.
Ông Hà Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch chia sẻ, cái được lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Lập Thạch thời gian qua là đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Chính quyền các cấp trên địa bàn tập trung chỉ đạo chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác xã hội, phát động phong trào hiến đất góp công, góp của, góp sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo được nền tảng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cách làm trên đã đem lại lợi ích trực tiếp cho người dân, từ đó người dân hưởng ứng tham gia. Sau hơn 6 năm tích cực xây dựng nông thôn mới, Lập Thạch đã huy động được 734 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân tham gia đóng góp 29,89 tỷ đồng, hiến 141.252m2 đất và 23.844 ngày công.
Các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã trên địa bàn huyện đã cơ bản được thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào tu sửa, làm mới đường giao thông đã lan tỏa và phát triển rộng khắp ở 20/20 xã, thị trấn.
Đến nay, Lập Thạch đã có 16/18 xã cán đích nông thôn mới, thu nhập bình quân đạt hơn 23 triệu đồng/người/năm. Huyện Lập Thạch phấn đấu trong năm 2018 có 100% xã về đích nông thôn mới và trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2019.
Để hoàn thành được mục tiêu đó, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo quyết liệt các xã đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, tiêu chí chưa đạt chuẩn đồng thời tiến hành rà soát lại từng tiêu chí, khối lượng công việc cần thực hiện để xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể.
Ngoài ra, huyện Lập Thạch còn chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, huy động tối đa các nguồn lực xã hội và thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để đầu tư xây dựng nông thôn mới./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn