Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Hồ Đại Nam, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, về vấn đề này.
Ông Hồ Đại Nam phát biểu chỉ đạo hội nghị phát triển làng nghề trong xây dựng NTM ở Hải Lăng
GIÚP XÃ KHÓ
Thưa ông, kết quả đạt được sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Hải Lăng như thế nào?
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, huyện Hải Lăng đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi và điều quan trọng là chúng tôi đã định hướng được cách làm phù hợp, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ huyện đến cơ sở.
Đến nay, bình quân các xã trong toàn huyện đã đạt được 9,5 tiêu chí/xã, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh, xã thấp nhất cũng đã đạt 8 tiêu chí.
Quan điểm của huyện là phải phát triển đồng đều vì mục tiêu xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các xã khó khăn càng cần phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, giúp đỡ, không chạy theo thành tích.
Nét nổi bật của Hải Lăng là đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. BCĐ xây dựng NTM của huyện không phải do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban mà do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.
Điểm nhấn quan trọng là huyện đã phát động thực hiện chủ đề "Chỉnh trang nông thôn" với 6 nội dung: Phát quang, hiến đất, mở rộng nền đường; thắp sáng đường quê; cải tạo vườn tạp; chỉnh trang nhà cửa; chỉnh trang hàng rào, cổng; xây dựng, cải tạo chuồng trại chăn nuôi thu hút sự hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Tổng vốn đầu tư cho các hoạt động "Chỉnh trang nông thôn" do nhân dân tự đóng góp ước tính trên 70 tỷ đồng. Kết quả này khẳng định khi một chủ trương hợp lòng dân thì sẽ khơi dậy nguồn lực xã hội hóa to lớn trong nhân dân.
BAN HÀNH VĂN BẢN CHẬM TRỄ
Vậy đâu là những khó khăn mà Hải Lăng gặp phải trong quá trình xây dựng NTM?
Khó khăn thì rất nhiều. Để thực hiện trọn vẹn 19 tiêu chí có rất nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết. Chúng tôi đang tập trung rà soát đánh giá kết quả thực hiện đối với từng tiêu chí lớn, nhỏ trong Bộ tiêu chí NTM, từ đó đề ra giải pháp và lộ trình cụ thể để hoàn thành từng tiêu chí.
Đến năm 2015, có thể huyện Hải Lăng chưa hoàn thành chỉ tiêu 20% số xã đạt chuẩn NTM, nhưng đến năm 2020, huyện phấn đấu có trên 50% số xã đạt chuẩn. Tôi tin rằng, khi đã có giải pháp đúng thì việc hoàn thành 19 tiêu chí NTM chỉ là vấn đề thời gian.
Tôi chỉ muốn đề cập những vướng mắc từ việc ban hành chậm trễ hoặc thiếu tính thực tiễn của các văn bản quy định của cấp trên. Đầu tiên là việc đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí. Đến nay, Trung ương chưa có văn bản quy định về cách đánh giá kết quả thực hiện đối với từng tiêu chí, vì vậy việc đánh giá đạt hay chưa đạt một số tiêu chí ở các địa phương hiện nay chỉ mang tính tương đối.
Ví dụ, Thông tư 41 của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM quy định để đạt được tiêu chí số 1 (quy hoạch), xã phải có quy chế quản lý quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng "cấp có thẩm quyền" là cấp nào thì không quy định rõ.
Tôi được biết, vừa qua một số tỉnh đã phải ban hành quy định tạm thời hoặc khung điểm hướng dẫn để đánh giá, công nhận kết quả thực hiện của các địa phương.
Phát triển giao thông nông thôn ở xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng
Huyện Hải Lăng vừa qua cũng phải tự ban hành "Quy định tạm thời về đánh giá kết quả thực hiện 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện Hải Lăng" để các xã có căn cứ đánh giá, phấn đấu.
XÂY DỰNG “THÔN NTM”, “GIA ĐÌNH NTM”
Thưa ông, đâu là những công việc trọng tâm mà Hải Lăng sẽ làm trong thời gian tiếp theo?
Từ nay đến cuối năm chúng tôi tập trung hoàn thành công tác điều chỉnh, bổ sung đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM của các xã.
Hải Lăng là huyện đầu tiên của tỉnh sớm hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Lý do lần này huyện điều chỉnh quy hoạch là để phù hợp với các quy định sửa đổi của Trung ương, mặt khác, trong quá trình triển khai có một số nội dung cần điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Đó là mở rộng thêm nền đường làm chỗ tránh, đỗ xe ở những đoạn có thể mở rộng (quy định đường trục thôn có nền đường 4 m, mặt đường 3 m thì không đảm bảo cho 2 xe ô tô tránh nhau).
Quy hoạch bổ sung quỹ đất ở những khu vực có vị trí thuận lợi có thể xây dựng các tiểu đô thị làm điểm nhấn thay đổi bộ mặt dân cư nông thôn, vừa tạo nguồn quỹ đất để đấu giá.
Năm 2013, UBND huyện đã ban hành danh mục các đề tài khoa học, dự án thử nghiệm phục vụ xây dựng NTM. Một số đề tài khoa học vừa hoàn thành như giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, giải pháp phát triển đàn bò lai trên địa bàn huyện đến năm 2020; xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác chợ; trồng và quản lý cây xanh đô thị, công trình công cộng, các tuyến giao thông nông thôn... đã có tác dụng rất thiết thực, là cơ sở để UBND huyện ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển.
Chúng tôi đang chỉ đạo sớm hoàn chỉnh các đề tài "Xây dựng tiêu chí thôn NTM, gia đình NTM", "Các hình thức thi đua, khen thưởng trong xây dựng NTM" để ứng dụng vào thực tế. Chính phủ chỉ quy định tiêu chí xã NTM, huyện NTM nhưng từ thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thống nhất sớm ban hành Bộ tiêu chí "thôn NTM, gia đình NTM" để áp dụng trên địa bàn huyện.
Chúng tôi nghĩ rằng trong xây dựng NTM vai trò cấp thôn là hết sức quan trọng, nhiều gia đình đạt chuẩn NTM sẽ là cơ sở để thôn đạt "thôn NTM", nhiều thôn đạt chuẩn NTM sẽ là cơ sở để xã đạt chuẩn NTM. Cách làm này cũng sẽ phát huy tốt nhất động lực của công tác thi đua trong xây dựng NTM.
4 VẤN ĐỀ ƯU TIÊN
Là huyện trọng điểm nông nghiệp của Quảng Trị, những vấn đề nào cần tập trung để Hải Lăng thực hiện tái cơ cấu SXNN?
Huyện Hải Lăng tiếp tục tái cơ cấu SXNN. Chương trình này có nhiều nội dung và không thể hoàn thành trong một sớm một chiều.
Trước mắt, chúng tôi tập trung thử nghiệm và nhân rộng, phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra giá trị SX hàng hóa lớn, hình thành các vùng SX chuyên canh, tập trung quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ ổn định mà Hải Lăng có lợi thế.
Để tái cơ cấu SXNN thành công, chúng tôi xác định có 4 vấn đề cần tập trung ưu tiên, đó là: Giống, ứng dụng KH-CN trong SX, xác định quy mô, mô hình phù hợp và thu hút DN tham gia đầu tư phát triển SX, tiêu thụ sản phẩm.
Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, huyện đã tập trung chỉ đạo thử nghiệm và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế mang tính ổn định và bền vững, nhất là các mô hình có thể áp dụng rộng rãi quy mô hộ gia đình.
Về giải pháp nhân rộng, chúng tôi coi trọng vấn đề hỗ trợ lãi suất còn nguồn vốn chủ yếu nhân dân vay ngân hàng. Sau ba năm thực hiện bước đầu, chúng tôi đã thành công với mô hình nuôi bò lai Brahman sinh sản (một gia đình nuôi 3 bò cái mỗi năm có 3 bê con ra đời, sau khi sinh 6-8 tháng có thể thu về từ 45-50 triệu đồng), mô hình nuôi cá chình lồng những năm qua đều cho thu nhập khá cao đối với bà con vùng sông nước.
Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 21,6 triệu đồng/người/năm, phần lớn các xã đã đạt tiêu chí số 10. Tuy nhiên, chúng tôi không dừng lại ở mốc đạt chuẩn mà xác định là phải phấn đấu không ngừng, nhất là vấn đề xóa nghèo bền vững cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Xin cảm ơn ông!
Lâm Quang Huy
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn