Công nghiệp 4.0 là sản xuất thông minh dựa trên thành tựu của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, thay đổi cơ bản phương thức sản xuất cũ - sản xuất được điều khiển và hỗ trợ của công nghệ số, không gian số, có khả năng kết nối giao lưu hàng triệu con người trên trái đất; có thể tái tạo lại các nguồn tài nguyên thiên nhiên hay khôi phục lại những tổn thất mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây gây ra.
Gần đây, một trong những thành tựu của công nghiệp 4.0 là trí tuệ nhân tạo đã được đánh giá ngang với sự tiến hóa của loài người. Chúng ta biết rằng trước đây sáng tạo công nghệ dựa trên lý thuyết khoa học của Isaac Newton, còn đa số công nghệ hiện nay dựa trên lý thuyết khoa học của Anbert Einstein.
Hiệp hội máy nông nghiệp châu Âu (EAM - 2017) đưa ra khái niệm nông nghiệp 4.0. Đó là sự kết hợp giữa sản xuất và công nghệ thông minh, phân chia như sau: NN 1.0: xuất hiện đầu thế kỷ XX, có đặc điểm là sản xuất ra sản phẩm thô và tốn nhiều lao động; NN 2.0: bắt đầu từ cuộc cách mạng xanh (những năm 1950). Chúng ta biết rằng các thành tựu cách mạng xanh là: tạo ra giống ngô lai (1930), giống lúa mì thấp cây (1940), giống lúa nước Nông nghiệp (Thần nông) 8 (1960), giống lúa lai (1973), giống chuyển gen (những năm 1980 - 1990 và hiện nay); NN 3.0: khi ứng dụng công nghệ vệ tinh định vị toàn cầu (GPS); NN 4.0 hiện nay là ứng dụng công nghệ số hóa kết nối internet, đưa ra các quyết định nhờ hệ thống thiết bị tự động không cần con người.
Mô hình trồng dâu tây công nghệ cao Nhật Bản tại Đà Lạt kết hợp du lịch |
Một đặc điểm khác quan trọng của NN 4.0 là có vai trò của doanh nghiệp thông minh. Đây là sự liên kết có bản chất vừa khoa học, vừa kinh tế - xã hội. Trong nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ giúp nông dân vay vốn, chịu lãi, tiêu thụ sản phẩm, giảm giá thành, sản xuất có năng suất, chất lượng, hiệu quả hơn, nông dân sẽ thông minh hơn, giàu có, giàu sang hơn. Đó là một thể chế nông thôn mới, tiến hóa hơn, liên kết sĩ - nông - công - thương cùng có lợi trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối.
Ngành nông nghiệp nước ta đổi mới đã tròn 30 năm (1985 - 2015). Có thể đánh giá thành 3 giai đoạn: phát triển nhảy vọt (1985 - 1995); phát triển vững chắc (1995 - 2005) và chững lại (2005 - 2015). Vì vậy, Chính phủ có các quyết định chuyển đổi cơ cấu (2000) và tái cấu trúc (2013) để tiếp tục hội nhập và phát triển bền vững hơn. Có thể đề xuất kịch bản NCN 4.0 như sau:
Một là, mục tiêu của chúng ta là tiếp tục phấn đấu thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về tam nông (có điều chỉnh chỉ tiêu), phục hồi đà tăng trưởng cũ, khắc phục sự chững lại và thỏa mãn để phát triển bền vững; với nông dân là thu hẹp khoảng cách thu nhập với thành thị; với nông thôn là hài hòa không gian phát triển nông thôn mới với đô thị; với nông nghiệp là gắn kết thành Liên minh NCN 4.0.
Nông dân thế hệ mới cần giỏi xử lý tình huống, ứng phó rủi ro và nắm bắt thông tin thị trường như doanh nhân… nông dân gắn kết với hệ thống R&D, hệ thống giáo dục nông nghiệp, hệ thống doanh nghiệp, nông nghiệp hình thành Liên minh xã hội sĩ, nông, công, thương kiểu mới. |
Chúng ta cần khắc phục hai điểm yếu cơ bản của phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay là: Tổ chức sản xuất lạc hậu và tổ chức thương mại bất cập. Theo chúng tôi, có thể phấn đấu 3 giai đoạn cho 30 năm tới: 2015 - 2025 là thời kỳ phục hồi; thời kỳ 2025 - 2035 là giai đoạn phát triển bền vững; đến 2045, 100 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nền nông nghiệp phát triển lành mạnh hàng đầu thế giới (hiện nay nông nghiệp nước ta đã đứng tốp hàng đầu về lượng xuất khẩu nông sản).
Hai là, dựa trên lợi thế so sánh thật của từng vùng để quy hoạch bản đồ cấu trúc sản phẩm chiến lược quốc gia, vùng, địa phương (bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và thay thế nhập khẩu). Chỉ tiêu đạt 100 tỷ USD trở lên, có 1 triệu hộ nông dân sở hữu mỗi hộ 1ha đất nông nghiệp, tiến tới mô hình canh tác 1 lao động nông nghiệp sở hữu 3ha (hiện nay 3 lao động/ha). Ngành nông nghiệp nước ta tập trung phát triển khoảng 20 sản phẩm chủ lực quốc gia có thương hiệu.
Ba là, dựa trên một số mô hình lúa, rau, hoa, quả, cà phê, chè, chăn nuôi, thủy sản… liên doanh với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đột phá phát triển NCN 4.0 bằng cơ chế chính sách thông minh, chính sách kết nối các ngành công nghiệp với nông nghiệp, trước hết là với các sản phẩm quốc gia chiến lược. Ngành hàng nông nghiệp bao gồm đủ nội hàm: kinh tế, văn hóa, môi trường; sản xuất, chế biến, thương mại, du lịch; đầu tư, tài chính, sáng tạo và có giá trị kết nối toàn cầu. Theo kinh nghiệm của Đài Loan sản xuất và chế tạo, sử dụng thiết bị thông minh cho NCN 4.0 chính là nội dung hiện đại hóa nông nghiệp, kể cả hóa học xanh.
Có thể lấy ví dụ: “Tam sơn” có 8 triệu ha rừng sản xuất (trong 14,4 triệu ha rừng) sẽ đạt giá trị gia tăng bao nhiêu từ khoảng 20 triệu/ha/năm hiện nay; được cấp bao nhiêu chứng chỉ giảm khí phát thải (CERs); bán được bao nhiêu tín chỉ các bon; được cấp bao nhiêu thẻ ABTC (của APEC); có bao nhiêu doanh nghiệp lâm nghiệp được xếp hạng khu vực và thế giới; ngành kinh tế lâm nghiệp ứng dụng công nghệ kỹ thuật gì của NCN 4.0… Tương tự như vậy với 1 triệu ha mặt nước thủy sản, 10 triệu ha đất nông nghiệp, 100 triệu ha mặt nước ven biển...
Bốn là, điều chỉnh lại hệ thống nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi, Thủy sản; Nghề muối; gắn nghiên cứu thiết kế xây dựng mô hình NCN 4.0 với chuyển giao cho doanh nghiệp, HTX, trang trại, hộ nông dân; nghiên cứu sản phẩm mới, giá trị mới, thị trường mới; xây dựng mạng lưới các Trung tâm R&D, Trung tâm NCN 4.0 ở các vùng theo hình tháp tam giác kết nối ngang, dọc; kết nối với khoa học thế giới kể cả Việt kiều. Trước biến đổi khí hậu chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp như thời chiến tranh, tranh thủ trí tuệ và nguồn lực bên ngoài để giải quyết các vấn đề thực tiễn có hiệu quả hơn.
Năm là, điều chỉnh lại hệ thống các Trường, Học viện đào tạo của ngành, hình thành mạng lưới các Trung tâm dịch vụ hỗ trợ NCN 4.0 vừa học vừa làm, đào tạo thế hệ nông dân mới, chuyên nghiệp, thông minh ở các vùng (kể cả chuyên gia nông nghiệp, nông dân xuất khẩu, chuyên gia tham gia đầu tư nông nghiệp ra nước ngoài mang sản phẩm về cho đất nước như cao su, điều, lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản…).
Theo: TS Lê Hưng Quốc/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn