Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, cùng với việc không ngừng phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào đội ngũ những người ưu tú nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ của mình những đảng viên thoái hóa, biến chất, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Tuy thời gian đã lùi xa nhưng vụ án Trần Dụ Châu được mang ra xét xử ngay trong lúc tình thế cách mạng đang ở giai đoạn cam go nhất chắc nhiều người vẫn nhớ; hoặc thế hệ đảng viên sau này ít nhiều cũng đã được đọc, được nghe. Dẫu có rất nhiều đắn đo, suy nghĩ xung quanh việc đưa ra công khai xét xử Trần Dụ Châu, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết chỉ đạo, thực hiện. Kết quả, việc xử lý kiên quyết ấy không những có tác dụng răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên mà còn tăng cường, củng cố, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tiến hành kháng chiến, kiến quốc thắng lợi. Bài xã luận đăng trên Báo Cứu quốc ngày 27-9-1950 khẳng định: “Trong tình thế kháng chiến và trong giai đoạn quyết liệt hiện nay, vụ án Trần Dụ Châu có một ý nghĩa lớn lao. Nó làm toàn thể nhân dân bằng lòng và thêm tin tưởng ở chính quyền và đoàn thể nhân dân. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa. Vụ án này còn làm vui lòng tất cả những cán bộ quân nhu ngay thẳng, chí công vô tư, đã không để Trần Dụ Châu lôi cuốn. Nó đã cho chính quyền và đoàn thể ta nhiều kinh nghiệm trong việc dùng cán bộ, giáo dục và kiểm soát cán bộ.
Có người e ngại: Chúng ta mở toang vụ án này, công khai vạch rõ nhưng tội lỗi nhơ bẩn của Trần Dụ Châu có thể làm một số dân chúng chê trách, hay kẻ địch bám vào đấy để nói xấu chính quyền, đoàn thể ta. Không! Chúng ta không sợ phê bình và tự phê bình những khuyết điểm của ta. Chúng ta khác bọn phản động và hơn hẳn chúng ở chỗ đó. Đấy là một sự khuyến khích nhân dân thẳng thắn, phê bình những sai lầm của cán bộ, của chính quyền, đoàn thể vì họ đã hiểu chính quyền, đoàn thể ta là chính quyền, đoàn thể của họ và họ nhất định không tha thứ những kẻ nào đi ngược quyền lợi của họ”.
Bài xã luận khẳng định: “Cái chết nhục nhã của Trần Dụ Châu còn là một lời cảnh cáo những kẻ lén lút đang tính chuyện đục khoét công quỹ của Chính phủ, trục lợi của nhân dân. Tất cả những bọn ấy hãy coi chừng dư luận sắc bén của quần chúng và luật pháp nghiêm khắc của Nhà nước nhân dân! Chúng ta phải thẳng tay vạch mặt và trừng trị những bọn ấy, những kẻ tham ô, hoang phí, những kẻ mưu sống phè phỡn trên mồ hôi nước mắt người khác, để tiến tới xây dựng một nền tảng chính quyền nhân dân thật vững vàng. Đây không phải là việc riêng của Chính phủ, của đoàn thể mà đấy là bổn phận của tầng lớp đông đảo quần chúng nhân dân chúng ta”.
Từ bài học lịch sử trên, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những kết quả bước đầu khá toàn diện và rất đáng ghi nhận. Hàng chục nghìn đảng viên vi phạm kỷ luật đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng xem xét, xử lý đúng Điều lệ Đảng, tạo được sự đồng thuận rất lớn trong dư luận xã hội. Với tinh thần kiên quyết, triệt để, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật gần 1.400 tổ chức Đảng và hơn 56.500 đảng viên. Cùng với đó, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.325 đảng viên. Đây là một con số khá lớn. Số đảng viên bị xử lý kỷ luật này có cả diện Ban Bí thư quyết định, có cả diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định, có cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định. Gần đây, những vụ việc, vấn đề liên quan đến phẩm chất, tư cách đảng viên đều được Trung ương chỉ đạo giải quyết quyết liệt, kịp thời, như trường hợp của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng; Trịnh Xuân Thanh; vụ việc ở Hải Dương, Thanh Hóa... Đặc biệt, tuần cuối tháng 3-2017, Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương đã tiến hành họp xem xét và bỏ phiếu đề nghị kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với ông Võ Kim Cự, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh do có những sai phạm liên quan đến sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung thời gian qua. Những con số, vụ việc nêu trên cho thấy: Nhận định của Đảng về “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” là hoàn toàn có cơ sở; đồng thời thể hiện quyết tâm “loại bỏ” những người không đủ tư cách, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật ra khỏi đội ngũ, dù người đó đảm nhiệm cương vị gì, đã nghỉ chế độ hay đương chức.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thông qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng đã kịp thời cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn những trường hợp cán bộ, đảng viên có những biểu hiện dẫn đến vi phạm kỷ luật. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) không những góp phần quan trọng làm trong sạch đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, mà còn giữ được cán bộ, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Kết quả đó còn thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền nảy sinh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ở các cấp. Trên cơ sở kinh nghiệm và kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII). Nhận thức đúng vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng; đồng thời nắm chắc các nội dung cốt lõi của nghị quyết là cơ sở đặc biệt quan trọng tạo ra bước đột phá trong nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trên từng cương vị công tác. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), từng cấp ủy, tổ chức Đảng cần đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng xét cho cùng là để kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn, phòng ngừa những cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thiếu gương mẫu trong cuộc sống; đồng thời kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng phải góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong mỗi cán bộ, đảng viên; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Từ thực tiễn và quan điểm chỉ đạo nêu trên, căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Theo đó, cùng với việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục; một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng là cần kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ của Đảng những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất. Lịch sử 87 năm qua đã để lại cho Đảng những bài học, kinh nghiệm quý báu, nhất là sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), đủ để từng cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Sẽ là rất khó nếu phải đưa ra xem xét, kỷ luật một cán bộ, đảng viên mà hằng ngày, hằng giờ cùng công tác, cùng sinh hoạt. Lại cũng vô cùng khó khăn khi phải xem xét, kỷ luật một cán bộ, đảng viên mà trước đó cũng là đồng chí, đồng đội của mình. Khó, nhưng không thể không làm, bởi trên hết đó chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, giữ vững uy tín của Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Đảng càng mạnh nếu kỷ luật của Đảng càng được giữ vững và xử lý nghiêm minh những trường hợp đảng viên vi phạm. Uy tín và niềm tin của Đảng càng được củng cố, nếu đội ngũ trong sạch, tất cả suy nghĩ và hành động đều vì quyền lợi của nhân dân, của dân tộc. Sức mạnh của Đảng, uy tín của Đảng được biểu hiện thông qua lời nói và hành động của từng cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái để mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác soi chiếu, để tự giác khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác và nghiêm minh. Tuy nhiên, đối với những người cố tình vi phạm thì cấp ủy, tổ chức Đảng phải kiên quyết xử lý và xử lý kịp thời. Kết quả, kinh nghiệm từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng thời gian qua là cơ sở để mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng.
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn