Qua 10 năm tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển trai chương trình; đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc vai trò chủ thể của mình tích cực góp công, góp sức, góp tiền, góp đất để xây dựng nông thôn mới. Với 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh Bắc Kạn còn khiêm tốn so với khu vực miền núi phía Bắc và cả nước. Tuy nhiên, so với thời điểm cách đây 10 năm, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, rõ nét.
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển sản xuất và đời sống ở vùng nông thôn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số người dân nông thôn tiếp tục được cải thiện, chất lượng cuộc sống không ngừng được nâng lên. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đạt gần 30,5 triệu đồng/người/năm, tăng 20,4 triệu đồng so với năm 2010 (10,104 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 21,88%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 11,82%. Dân chủ ở cơ sở ngày càng được phát huy, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Môi trường nông thôn được cải thiện, đường làng ngõ xóm sạch sẽ hơn. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn một số hạn chế đó là: Phát triển sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; đời sống của cư dân nông thôn còn ở mức thấp; kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều giữa các xã, một số tiêu chí đạt được còn thiếu bền vững; công tác tuyên truyền có nơi, có lúc chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, chủ yếu dựa vào Ngân sách của Trung ương, việc huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách nhà nước rất khó khăn, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít; năng lực của bộ phận cán bộ, chính quyền ở cơ sở còn hạn chế; bộ phận giúp việc của các Ban Chỉ đạo chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ... Từ những kết quả đã đạt được, hạn chế còn tồn tại, tỉnh Bắc Kạn đã rút ra một số bài học kinh nghiệm làm cơ sở để thực hiện tốt hơn Chương trình xây dựng NTM trong thời gian tiếp theo. Đó là: Chương trình xây dựng nông thôn mới là Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, gắn với an ninh quốc phòng; xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục. Vì vậy để thực hiện có kết quả tốt phải có quyết tâm chính trị, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của các cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp và Ban Chỉ đạo các cấp. Tại tỉnh Bắc Kạn, ngay từ khi triển khai chương trình, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động ban hành nghị quyết, chỉ thị, xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Chương trình xây dựng NTM - Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, để các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai Chương trình. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 12/5/2011 về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 27/11/2012 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 và ban hành các văn bản phân công các Sở, ngành, đơn vị giúp đỡ các xã khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng NTM phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đối tượng tham gia. Những năm qua, để triển khai thực hiện Chương trình đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, hệ thống bộ máy chỉ đạo thực hiện Chương trình được thành lập, kiện toàn từ tỉnh đến các xã. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện đã kịp thời chỉ đạo, ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình theo từng năm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới, đồng thời tổ chức các cuộc hội nghị đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, phải có cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, phù hợp với thực tế địa phương, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người dân, sử dụng nguồn lực có hiệu quả nhất. Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như HĐND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết về quy định mức hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013 - 2015; quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn, mức hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015 - 2020; quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017 - 2020... Là một tỉnh còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực ngoài nguồn ngân sách nhà nước rất hạn chế nên cần có sự hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng nông thôn tại các xã lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới; nhóm tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất cần có kế hoạch chi tiết, cụ thể và lộ trình từng năm.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chương trình, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tới toàn thể nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội về chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM để thay đổi nhận thức cho đội ngũ cán bộ các cấp và nhân dân về Chương trình; chuyển từ “phải thực hiện nông thôn mới” sang “mong muốn được tham gia xây dựng nông thôn mới”. Chú trọng khuyến khích, khen thưởng cho những tập thể, cá nhân, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho xây dựng NTM; chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt xây dựng NTM các cấp, nhất là ở cơ sở để việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân thuận lợi hơn. Bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện phải có cán bộ chuyên trách, có năng lực, tâm huyết; cơ quan giúp việc có vị trí, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM phải phát huy mạnh mẽ vai trò, sự sáng tạo của cấp ủy, lãnh đạo địa phương với ý nghĩa tiên phong, nhất là Bí thư chi bộ, Trưởng thôn. Thực tế cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, người đứng đầu, Đảng viên gương mẫu, trách nhiệm, bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét./. | ||||
Hương Dịu/backan.gov.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn