Cùng với niềm vui đón chào năm mới 2015, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, còn có thêm niềm vui được UBND tỉnh Lạng Sơn trao quyết định đạt chuẩn nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Lạng Sơn thường xuyên đi kiểm tra quá trình thực hiện chương trình.
Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, khẳng định: Nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể tích cực quan tâm chỉ đạo và cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện, nơi đó phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao. Đặc biệt, cần coi trọng công tác tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân nhận thức đúng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chú trọng chỉ đạo xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm; xác định rõ mục tiêu cơ bản của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ trình độ năng lực để tổ chức thực hiện; phân công, phân cấp rõ ràng và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai.
Trong công tác huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tập trung sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Việc huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, đảm bảo thực hiện được mục tiêu vừa huy động được sức dân và nguồn lực khác của địa phương; đề cao trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng, chủ động lồng ghép với các chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương; thường xuyên rà soát xây dựng và bổ sung các quy chế, hương ước phù hợp để nhân dân góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nên nhiều hộ dân ở Chi Lăng đã hiến hàng nghìn mét đất để làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ đã đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp tu sửa nhà ở, công trình phụ và đóng góp kinh phí, ngày công làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi như: Nhà trung tâm văn hóa xã, trạm y tế, chợ, trường học… với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Phát triển cơ sở hạ tầng ở xã Chi Lăng được đồng bào góp công sức.
Cùng với việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, việc phát triển kinh tế cũng được xã Chi Lăng quan tâm thực hiện. Đến nay, xã đã hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa như: Chăn nuôi lợn nái, thịt siêu nạc từ 100 - 200 con/năm; tiếp tục nâng cấp cây na dai đặc sản, cây hồng, cây vải thiều… là những cây trồng chủ lực của xã. Đã có nhiều hộ gia đình thu nhập từ cây ăn quả 100 - 200 triệu đồng/năm... Đến nay, ở Chi Lăng không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,6%; thu nhập bình quân đạt 16,5 triệu đồng/người/năm; số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên 80%; có trên 75% số thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện.
Nhờ triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, nhiều công trình phúc lợi ở Chi Lăng đã được đầu tư xây dựng, đường giao thông nông thôn được làm khang trang, sạch đẹp; kinh tế tăng trưởng; văn hóa xã hội được duy trì và phát triển; trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tình đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, đem lại cuộc sống tốt hơn cho đồng bào các dân tộc ở địa phương.