Hạ tầng được đầu tư
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Ninh chia sẻ: Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, thời gian đầu, Quế Ninh đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng NTM; đồng thời thành lập tổ công tác tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng theo 19 tiêu chí. Mục tiêu chính là để người dân tham gia vào tất cả các công việc theo kế hoạch đề ra và được thụ hưởng các thành quả do chương trình mang lại.
Nhờ NTM mà cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhất là giao thông, thủy lợi và kênh mương nội đồng được đầu tư đã đáp ứng nhu cầu đi lại và phát triển sản xuất của nhân dân. Ảnh: Trần Hậu
"Để hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các xã miền núi còn khó khăn thực hiện NTM hiệu quả, tỉnh, huyện cần tiếp tục quan tâm, tăng nguồn kinh phí cho địa phương thực hiện chương trình. Đồng thời, tăng đầu tư trên lĩnh vực NNPTNT như xây dựng cơ sở hạ tầng thuỷ lợi, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng...”. Ông Lê Anh Tuấn |
Ông Lê Anh Tuấn cho biết thêm, qua hơn 6 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Quế Ninh huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung làm đường giao thông, hệ thống điện, trường, trạm, kiên cố hóa kênh mương nội đồng… xã đã xây dựng được 5.058m đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 3,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 379 triệu đồng. Năm 2017 xã triển khai san ủi mặt bằng xây dựng trụ sở UBND xã, tu sửa trạm y tế xã, bê tông hóa kênh mương Đồng Quan chiều dài 204m. Toàn xã có 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS, 5/5 thôn có nhà văn hóa... cũng được quan tâm đầu tư.
“Từ năm 2011 đến nay đã có hàng trăm hộ gia đình tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp ngày công, vật liệu để mở rộng đường bê tông nông thôn và xây dựng các công trình hạ tầng phúc lợi. Hệ thống cơ sở trường học đã được đầu tư, từng bước đồng bộ đáp ứng nhu cầu học tập của con em; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao... Tiêu biểu như thôn Ninh Khánh 1, Mậu Long 2 đã chủ động chỉnh trang vườn tược, nhà cửa, làm tường rào tạo môi trường xanh, sạch, đẹp ở khu chợ, ngõ xóm...” – ông Tuấn cho hay.
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương mình, bà Trương Thị Bé - Trưởng thôn Ninh Khánh 1 hồ hởi nói: “Từ ngày có NTM, bà con trong thôn ai cũng phấn khởi, đường sá được đầu tư bê tông hóa, sạch đẹp và không còn lầy lội vào mùa mưa như trước nữa. Đó là thành quả của việc tự nguyện hiến đất, ngày công làm đường, với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Tiêu biểu trong các phong trào của thôn xóm phải kể đến các hộ Trần Văn Tám, Huỳnh Thị Mai, đã hiến trên 500m2 đất/hộ”- bà Bé nói.
Kinh tế rừng làm “đòn bẩy”
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Ninh nói thêm, song song với với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua xã Quế Ninh cũng rất chú trọng việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con - đó là mục tiêu trọng tâm mà xã hướng đến.
Theo ông Tuấn, thời gian qua xã đã áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất mang lại tương đối khá. Những năm qua, Quế Ninh đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt thế mạnh về trồng rừng và chăn nuôi bò. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao cho Quế Ninh như: Chăn nuôi bò, trồng rừng, trồng rau đậu các loại và các loại hoa màu khác với diện tích 9ha, trồng lúa trên diện tích 144,6ha...
Ông Tuấn cho hay, kinh tế chủ lực của xã là trồng rừng, hiện nay toàn xã có 2/3 số hộ có rừng. Nhờ phát triển kinh tế rừng mà thu nhập của các hộ tăng đều qua các năm. Tiêu biểu phải kể đến hộ ông Võ Tấn ở thôn Ninh Khánh 1, trồng trên 10ha, ông Hà Văn Mười (Ninh Khánh 2) trồng trên 30ha. Hai hộ này thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/năm.
Đến nay Quế Ninh đã đạt 10/19 tiêu chí, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng (2016), tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Trong năm 2017 xã dự kiến hoàn thành thêm 2 tiêu chí là mô hình sản xuất và thủy lợi.
Theo: Trần Nghĩa - Đại Hậu/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn