Sau hơn bốn năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, tỉnh Quảng Trị đã có những bước đi chắc chắn đem lại kết quả khả quan.
Báo NNVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Chính (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, kiêm Trưởng BCĐ chương trình.
Tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện
Thưa ông, khi bắt tay thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Quảng Trị đã chọn nội dung nào làm bệ phóng bền vững để đạt được kết quả khả quan như hôm nay?
Bước vào xây dựng NTM, ngoài sự nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự đồng thuận của nhân dân, thì Quảng Trị chỉ có lợi thế là tài nguyên đất.
Với một địa phương có hơn 70% dân số sống bằng nông nghiệp nên chúng tôi luôn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong tiến trình CNH, HĐH, là cơ sở để giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng nông thôn.
Trọng tâm của xây dựng NTM được xác định là tập trung tái cơ cấu SXNN một cách toàn diện. Muốn tái cơ cấu SXNN có kết quả tốt thì việc đầu tiên là phải tuyên truyền tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Việc tái cơ cấu SXNN sẽ có tác động đến 70% dân số toàn tỉnh, do đó phải tạo ra nhận thức chung thống nhất và quyết tâm cao trong cán bộ và nhân dân, đặc biệt là người nông dân để từng bước thay đổi phương thức SX, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Khi SXNN đã đảm bảo được an ninh lương thực, chúng tôi xác định phải đưa nông nghiệp phát triển theo hướng SX hàng hóa, định hướng xuất khẩu.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn ngành ngày càng trở nên sâu rộng, SXNN cũng chịu tác động mạnh mẽ từ thị trường quốc tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra là ngành nông nghiệp phải từng bước chuyển từ SX nhỏ lẻ sang SX hàng hóa với quy mô tập trung, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế thị trường.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Quảng Trị đã phê duyệt quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực để kịp thời chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện. Các vùng SX tập trung được quy hoạch gắn với xây dựng thương hiệu như: hồ tiêu Cùa, cà phê Khe Sanh, lúa chất lượng cao ở Triệu Phong, Hải Lăng, cao su ở Vĩnh Linh, Gio Linh; rừng trồng nguyên liệu tại các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa, Đakrông.
Cùng với đó, Quảng Trị đã chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT vào SXNN, góp phần nâng cao hiệu quả SX ở khu vực nông thôn. Lĩnh vực nào chưa làm được thì liên kết SX rồi tiếp thu chuyển giao công nghệ.
Nhờ quan tâm đến khâu phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nên đến nay nhiều sản phẩm nông nghiệp của Quảng Trị đã được xuất khẩu ra nước ngoài như: hồ tiêu, tinh bột sắn, cao su, các sản phẩm chế biến gỗ từ rừng trồng, các loại hải sản.
Năm 2014 lần đầu tiên sản lượng lương thực có hạt đạt 27 vạn tấn nên đã góp phần tạo ra giá trị xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 210 triệu USD trong năm 2015, vượt chỉ tiêu gần 19%, từng bước tăng thu nhập cao cho lao động nông thôn.
Phát triển bền vững
Sau hơn bốn năm thực hiện chương trình, kết quả tỉnh Quảng Trị đã đạt được đến nay như thế nào, thưa ông?
Từ ban đầu Quảng Trị xác định xây dựng NTM chính là việc để người nông dân là chủ thể tham gia xây dựng địa phương, thi đua lao động SX, nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần của chính mình trên cơ sở có sự hỗ trợ của Nhà nước, của các lực lượng xã hội về tài chính, khoa học công nghệ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM Quảng Trị họp tổng kết Quý 1/2015
Vì vậy, khi bắt tay thực hiện chương trình đã tạo được sự hưởng ứng lớn, tập hợp được sức mạnh tổng hợp của toàn tỉnh và cả hệ thống chính trị. Phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng NTM tiếp tục được duy trì thực hiện thường xuyên, sâu rộng với nhiều việc làm sáng tạo.
Chúng tôi xác định phải bảo đảm tính chắc chắn, cái nào dễ làm trước, khó làm sau, không chạy theo thành tích. Bởi vì, khi đạt chuẩn NTM chưa phải là kết thúc mà phải tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt một cách bền vững.
Tuy gặp không ít khó khăn trong việc huy động nguồn lực, nhưng sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã huy động được 5.309 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó vốn ngân sách là 294 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 3.740 tỷ đồng...
Nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư trực tiếp cho xây dựng NTM được phân bổ theo hướng ưu tiên tập trung đầu tư để hoàn thiện các tiêu chí cho các xã có số tiêu chí đạt cao và đăng ký về đích sớm, và các địa phương đặc biệt khó khăn, xã miền núi, bãi ngang.
Chương trình tái cơ cấu SXNN phục vụ xây dựng NTM Quảng Trị có kết quả rất khả quan, các hình thức tổ chức dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn được khuyến khích phát triển góp phần vào công tác tái cơ cấu, từng bước phát triển nông nghiệp hiện đại, và bảo đảm phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số cây trồng vật nuôi chủ lực, các mô hình SXNN có hiệu quả trên địa bàn như thực hiện mô hình phục hồi và phát triển vườn tiêu; nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc; cải tạo và phát triển đàn bò...
Đến nay, Quảng Trị đã có 4 xã đạt chuẩn NTM, có 13 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu đến hết năm 2015, có 15% số xã đạt tiêu chí NTM (19 xã).
Cơ sở vật chất vùng nông thôn được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đã cải thiện cơ bản điều kiện đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa tinh thần của vùng nông thôn.
Phấn đấu 40-50 xã đạt chuẩn
Ông có thể khái quát những nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình xây dựng NTM của Quảng Trị cho giai đoạn 2015-2020?
Như trên tôi đã nói xây dựng NTM bền vững là một quá trình phấn đấu không ngừng và phải có chiến lược rõ ràng, cụ thể.
Chúng tôi xác định mục tiêu 5 năm đến là tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng NTM; rà soát, cắt giảm các công trình chưa thực sự cấp bách, tập trung đầu tư các công trình chuyển tiếp và thực sự cấp bách phục vụ xây dựng NTM. Ưu tiên đầu tư tại các địa bàn vùng dân tộc, miền núi, biên giới.
Chú trọng tổ chức SX có liên kết vùng, liên kết giữa SX và chế biến, tiêu thụ nhằm hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm.
Trong thời gian tới tỉnh sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay để giúp người dân chủ động phát triển mở rộng quy mô SX các loại cây trồng có giá trị cao; tiếp tục rà soát hoàn thiện quy hoạch xây dựng NTM; đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa; xây dựng bổ sung chính sách khuyến khích DN đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các vùng SX tập trung.
Sớm cung cấp thông tin dự báo thị trường vật tư, giống, nông sản cho nông dân. Mục đích của chúng tôi là không ngừng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Cố gắng đưa mức thu nhập bình quân trên đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người vào năm 2020.
Điều chỉnh phân công, quy định trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình hướng dẫn, chỉ đạo và thực hiện chương trình. Dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực theo quy hoạch phát triển ngành nghề ở từng xã, thôn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề, tập huấn kỹ năng SX kinh doanh cho lao động nông thôn.
Thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, thực hiện và nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả; biểu dương các tổ chức, cá nhân làm tốt phong trào xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có 40 đến 50 xã đạt chuẩn, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; phấn đấu có một huyện sđạt chuẩn huyện NTM.
Xin cảm ơn ông!
Theo: nongnghiep.vn