Ban hành chương trình công tác, tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp; định kỳ tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện... UBND tỉnh đã ban hành quyết định Phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh giai đoạn 2010-2020. Mục tiêu đề ra của tỉnh là đến năm 2015, có 43 xã và 01 huyện đạt chuẩn NTM (giai đoạn 1); đến năm 2020, có 99 xã và 06 huyện đạt chuẩn NTM (giai đoạn 2). Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu giai đoạn 1 đề ra.
Qua thực hiện, bộ mặt nông thôn thay đổi, kết cấu hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân nâng lên; nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng, thực hiện Chương trình. Nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được phát động, mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều gương điển hình tiên tiến về sản xuất giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển giao thông nông thôn, thuỷ lợi nhỏ… xuất hiện và được tổng kết nhân rộng. Nhiều cơ chế, chính sách của Trung ương được tỉnh vận dụng, cụ thể hóa thực hiện mang lại hiệu quả. Đặc biệt tỉnh đã ban hành những cơ chế, chính sách quan trọng như: cơ chế hỗ trợ đường giao thông nông thôn theo phương thức "nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ vật tư”; cơ chế huy động các nguồn lực và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng NTM; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ phát triển Hợp tác xã; đề án đào ao hồ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, kiên cố hoá kênh mương...; đã huy động được nguồn lực khá lớn cho xây dựng NTM và tăng qua từng năm, trong đó nguồn lực từ ngân sách chỉ chiếm 10,66% (trong số 33.581 tỷ đồng qua 5 năm); còn lại là nguồn lực trong nhân dân (vốn dân, các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp và vốn dân vay phát triển sản xuất).
Toàn tỉnh hiện có 42 xã có quyết định xã đạt chuẩn NTM và 3 xã đã hoàn thành 19 tiêu chí, đang được thẩm định để công nhận đạt chuẩn; bình quân đạt khoảng 15 tiêu chí/xã. Huyện Đơn Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM; thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đến nay, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chung NTM được phê duyệt, 59 xã đã hoàn thành công tác cắm mốc chỉ giới quy hoạch và quy chế quản lý quy hoạch.
Trong 5 năm qua (tính đến cuối 2015), toàn tỉnh đã nâng cấp được trên 2.000 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số xã đạt tiêu chí giao thông lên 59/117 xã; hệ thống thuỷ lợi được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, có 78/117 xã đạt tiêu chí về thuỷ lợi. Các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất như trường học, nhà văn hoá, hệ thống điện, bưu điện, chợ nông thôn và nhà ở dân cư nông thôn, giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường đạt khá cao: 103/117 xã đạt tiêu chí về điện; 48/117 xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia; 59 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá; 68/117 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; 113/117 xã đạt tiêu chí về bưu điện; 77/117 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư; 100/117 xã đạt tiêu chí về giáo dục; 74/117 xã đạt tiêu chí về y tế; 88/117 xã đạt tiêu chí về văn hoá; 79/117 xã đạt tiêu chí về môi trường. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều kết quả quan trọng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Đến cuối 2015, có 87/117 xã đạt tiêu chí về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh; 105/117 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự - xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Lâm Đồng cũng có một số khó khăn và hạn chế, đó là:
Việc lồng ghép các chương trình mục tiêu chưa được thống nhất chung một cơ chế nên hiệu quả đầu tư chưa cao; hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh chưa đáp ứng kịp vốn đối ứng của nhân dân nên một số công trình lĩnh vực GTNT, thuỷ lợi nhỏ chưa thực hiện theo kế hoạch.
Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn hạn chế. Một số xã ở vùng sâu, vùng xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống, sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, chênh lệch mức phát triển với các vùng khác còn lớn.
Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế và mức đóng góp của nhân dân có hạn, nên việc chuẩn hoá các tiêu chí về hạ tầng ở một số địa bàn nông thôn còn chậm.
Một số nơi chưa xác định được mức độ quan trọng, cấp thiết, thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng, dẫn đến còn đầu tư dàn trải, gây thất thoát, hiệu quả không cao. Việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư tập trung ở địa bàn nông thôn còn hạn chế; công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn triển khai chậm; tiêu chí về môi trường chưa được quan tâm thực hiện đúng mức.
Những hạn chế, khó khăn, thách thức trên đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải có quyết tâm cao, năng động, sáng tạo, tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, thách thức, bám sát chương trình, kế hoạch và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X để thực hiện nhằm đạt được mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90 xã (tương ứng 77% tổng số xã của toàn tỉnh) đạt chuẩn NTM, có ít nhất 08/10 huyện đạt chuẩn NTM và Lâm Đồng đạt chuẩn tỉnh NTM.
Theo khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn