Nâng cao thu nhập người dân
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng nhận định, thời gian qua, địa phương đã tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất, giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Thu nhập của người dân Lâm Đồng tăng dần sau 10 năm xây dựng NTM. Trong ảnh: Công nhân đóng gói hoa tại Công ty Đà Lạt Hasfarm. Ảnh: Văn Long
Sau 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại Lâm Đồng đã giảm từ 5,19% xuống còn 2,85%. Từ trên 15.900 hộ nghèo, đến giữa năm 2019, tỉnh chỉ còn hơn 9.000 hộ, trong đó có hơn 6.000 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Cứ khoảng 5 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Trên địa bàn tỉnh cũng không còn tình trạng gia đình người có công với cách mạng nằm trong diện hộ nghèo. |
Môi trường nông thôn đã có chuyển biến đáng kể, nhiều vùng nông thôn đã xây dựng và hình thành mô hình cảnh quan xanh sạch đẹp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của chính người dân.
Ông Hoàng Sỹ Bích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, trong 10 năm xây dựng NTM gần đây cũng là 10 năm đơn vị đã tham mưu cho UBND tỉnh và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
“Đề án được xây dựng và thực hiện nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tiếp tục phát nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân, mở rộng liên kết sản xuất, hình thành và phát triển theo chuỗi giá trị, tổ chức mạng lưới thu mua tiêu thụ nông sản hợp lý, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho nông dân”- ông Bích thông tin.
Tuy địa phương có 1 huyện và 16 xã nghèo diện 30a với khoảng 14.500 hộ nghèo, chiếm 4,97% số hộ toàn tỉnh, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 8.000 hộ. Thế nhưng đến nay, qua 10 năm bắt đầu xây dựng NTM, địa phương đã có 90/116 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại có 11 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí. Ngoài ra, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 39 triệu đồng/năm tăng gần 4 lần so với năm 2010.
Đặc biệt, trên toàn tỉnh Lâm Đồng đã phát triển được 125 chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài) với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp. Chính vì vậy, đã góp phần giúp cho các địa phương sớm đạt tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM và có 100/116 xã đạt tiêu chí về Tổ chức sản xuất (tương ứng với tỷ lệ 86,20%).
Người dân là chủ thể
Chính vì địa phương đã cố gắng nâng cao thu nhập cho người dân nên người dân đã thể hiện qua thái độ chủ động, tích cực tham gia vào công tác xây dựng NTM như: Đóng góp ý kiến cho các đề án, quy hoạch xây dựng NTM, đề xuất kế hoạch thực thi...
Đến tháng 6/2019, toàn tỉnh Lâm Đồng có 90/116 xã (77,6%) đạt chuẩn NTM, các xã còn lại có 11 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 15 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí. Đặc biệt, huyện Đơn Dương là 1 trong 4 địa phương được T.Ư chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của toàn quốc.
Ông Phạm Hồng Vinh - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Đinh Lạc (huyện Di Linh, Lâm Đồng) cũng nhận định: “Xã Đinh Lạc có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp, chính vì vậy, mọi tiêu chí về NTM cũng đều thấp. Tuy nhiên, đến nay 100% thôn được công nhận thôn văn hóa. Nhiều thôn, người dân hiến hàng chục nghìn mét vuông đất, góp hàng ngàn ngày công, hàng chục tỷ đồng để mở đường giao thông nông thôn. Chính vì vậy, vai trò chủ thể của người dân là hết sức quan trọng. Đó là tinh thần lao động cần cù, chung sức chung lòng để xây dựng NTM”.
Ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng cho biết, Lâm Đồng có xuất phát điểm xây dựng NTM khá thấp, nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã vượt qua nhiều thách thức để đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Hơn nữa, Lâm Đồng là tỉnh luôn luôn dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trong xây dựng NTM giai đoạn vừa qua.
Theo Văn Long/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn