Làm nông dân thoải mái hơn
Vùng đất dưới chân đèo Tô Na (giáp ranh huyện Krông Pa và thị xã Ayun Pa, Gia Lai) lâu nay được biết đến là nơi có đất đai khô cằn "chó ăn đá, gà ăn sỏi" và cái nắng, cái gió được xem như “đặc sản”. Chính cái khó, cái khổ ở đây đã làm nản lòng không ít nông dân ôm mộng làm giàu. Nhưng ít ai ngờ rằng, một người thợ máy đã từ bỏ nghề sửa chữa xe cộ, bỏ gara chuyển sang trồng cây na lại mang đến cho vùng đất “sự hồi sinh mới”.
Anh Kỳ bỏ nghề sửa máy sang làm nông dân trồng na chính hiệu
Nông dân “hơi đặc biệt” này là anh Lê Viết Kỳ (47 tuổi, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa), người đầu tiên đưa cây na về trồng trên vùng đất "khổ sở" này. Anh Kỳ vốn là thợ máy, trước nay mưu sinh bằng việc mở 1 gara sửa chữa xe ngay dọc quốc lộ 25.
Cách đây 5 năm, mẹ anh Kỳ như “điếng người” khi nghe con trai đưa ra quyết định táo bạo, lúc đó mẹ anh phải thốt lên: “Thằng Kỳ nó khùng rồi, ai lại đi đến vùng đất sỏi đá này mà trồng na”.
Để thực hiện “giấc mộng nông dân”, anh Kỳ phải bán 1 căn nhà, mảnh đất và kèm tiền tích góp nhiều năm hơn 1 tỷ đồng đầu tư trồng hơn 2ha cây na. Để chuyên tâm hơn, anh đóng cửa gara đi làm một nông dân thuần túy. |
Nói về kế hoạch làm nông, anh Kỳ tâm sự: “Mình làm nghề gara bị gò bó quá, suốt ngày không đi đâu được, tình cờ thấy vùng đất khô cằn phù hợp với cây na nên lên kế hoạch làm liều. Giờ bỏ việc sửa xe “lấm lem dầu nhớt”, làm nông dân theo kiểu mình thích "lấm lem bùn đất", đam mê cảm thấy rất thỏa mái. Ban đầu mẹ sợ làm liều theo kiểu “chôn tiền tỷ xuống đất” dẫn đến phá sản nên hết lòng khuyên can, nặng quá thì bảo “thằng Kỳ khùng”. Giờ thấy thành quả thì càng mừng hơn”.
Mùa đầu tiên vườn na của anh Kỳ thu bói khoảng 6 tấn/2.400 cây, bán tại vườn với giá trung bình 30 ngàn đồng/kg, thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Hiện tại, vườn na của anh đang ra sai quả, dự kiến thu hoạch bán cho dịp Tết này khoảng 10 tấn. Nếu mức giá không có nhiều biến động, dịp Tết có thể thu vào hơn 300 triệu đồng. Hiện vườn na của anh đang được chăm sóc, tưới nước đầy đủ nên không ngừng đơm hoa, đậu quả.
Nhìn thành quả thì dễ nhưng để biến vùng đất khô cằn sống dậy không dễ chút nào. Anh kể: "Vùng đất nơi đây vốn không tốt tươi như vậy đâu, tôi tốn không ít tâm sức thuê xe múc đất, cày xới lên mới được. Ban đầu trồng na cũng khổ lắm, cây trồng “chết lên chết xuống” nhiều lần mới có kinh nghiệm, với lại mình không ngừng học tập từ sách báo mới vững vàng hơn. Để có được kết quả như hôm nay, vợ chồng tôi cũng bầm dập lắm mới có được, nhiều lúc thắt lưng buộc bụng để nuôi cây.
Ép cây một vụ ra trái quanh năm
Anh Kỳ cho biết, cây na vốn chỉ ra hoa một vụ từ tháng 8 - 9 hàng năm. Nếu cây chỉ có 1 vụ thì giá trị sản phẩm thường bán ra thị trường hoàn toàn bị động, theo kiểu “được mùa giá thấp, mất mùa giá cao”. Để tăng giá trị sản phẩm và có thu quanh năm, anh đã mày mò phương pháp ép cây na ra quả trái vụ.
Theo anh Kỳ, “bí quyết” đơn giản là chăm sóc cho cây thật kỹ, cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước đầy đủ… Và yếu tố quyết định nhất là chọn đúng thời điểm để phun thuốc kích thích, bón phân cho cây đâm chồi, ra hoa. Nếu gặp thời tiết nắng đẹp, ít gió thì khả năng đậu trái càng nhiều. Đối với quả na trái vụ lúc nào cũng bán được giá cao gấp đôi bình thường.
Vùng đất khô cằn được anh Kỳ làm hồi sinh với vườn na trĩu quả. Anh đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn na.
Theo anh Kỳ, không biết do hợp đất hay không mà quả na ở đây rất to, khi chín ai ăn cũng mê, mùi vị rất ngọt và thơm. Bình quân, vườn na của anh 3 quả được 1kg, loại tuyển là 2 quả/kg. Mặc dù chưa vào vụ, vườn của anh đã có nhiều thương lái từ Đà Nẵng, Kon Tum đến ngõ ý đặt hàng. Nếu bán trong dịp lễ tết thì giá cả sẽ cao gấp 2-3 lần, so với một số cây trồng khác, thu nhập từ cây na cao hơn rất nhiều lần, có thời điểm giá từ 50-80.000/kg. Trồng na ở vùng đất Ia Rtô là 1 trong những mô hình làm giàu ở nông thôn.
Để đảm bảo tính bền vững, mang giá trị cao, sản phẩm anh làm ra luôn hướng tới chất lượng hàng đầu: sạch, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật, dùng nhiều phân hữu cơ. Thấy mô hình của anh Kỳ hiệu quả tốt, thị xã Ayun Pa đã quan tâm, hỗ trợ hơn 100 triệu đồng cho anh xây dựng hệ thống tưới nước hiện đại làm mô hình điểm tại địa phương.
“Tới đây tôi sẽ mở rộng quy quy mô hơn, hy vọng nhiều hộ dân nơi đây cũng tiếp cận được mô hình này để phát triển kinh tế. Điều tôi lo lắng nhất không phải nông dân nơi đây trồng không được mà cần đầu ra ổn định, một khi người trồng nhiều lên thì chắc chắn phải có thị trường ổn định. Bởi loại cây này khá đặc thù, chỉ cần để kho 2 - 3 ngày không bán được là coi như vứt bỏ”, anh Kỳ chia sẻ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn