Những ngày đầu tháng 9, gia đình anh Võ Trọng Hữu (25 tuổi, trú thôn An Lợi, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) thu hoạch cá vược-loài cá dữ dằn nuôi trong lồng đem bán.
Anh Hữu cho biết, học xong cấp hai thì rời quê theo cha mẹ vào TP.Đà Nẵng mưu sinh bằng nhiều nghề. Tuy nhiên, cuộc sống làm thuê ở chốn thị thành quá khó khăn nên năm 2016 gia đình anh Hữu trở về quê hương.
Nuôi cá vược cho anh Võ Trọng Hữu và nhiều thanh niên ở "đất lửa" Quảng Trị có thu nhập khá cao. Ảnh: Ngọc Vũ
Trước ngôi nhà cấp 4 của anh Hữu là con sông An Lợi quanh năm nước lợ, nhiều chổ sâu trên 3m. Nhận thấy địa thế mặt nước đẹp có thể nuôi cá vược trong lồng, anh Hữu quyết định lập nghiệp từ loài cá dữ dằn này.
Tháng 2.2018, thông qua kênh uỷ thác của Huyện đoàn Triệu Phong, anh Hữu được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Phong cho vay 50 triệu đồng, lãi suất ưu đãi để lập nghiệp.
Có vốn, anh Hữu sắm lồng bè, mua cá vược giống thả nuôi 1.500 con (cá giống 70 con/kg) trong diện tích 30m2 mặt nước.
Sau 6 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 1kg/con, bán với giá từ 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg. Nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, anh Hữu có lãi khoảng 30 triệu đồng.
Để tăng lợi nhuận trên cùng diện tích nuôi, anh Hữu thả xen cá nâu với cá vược. Theo anh Hữu, cá nâu có giá trị cao nhưng không cần phải cho ăn vì loài cá này ăn thức ăn thừa của cá vược và rong rêu, tảo… tự nhiên.
Anh Võ Trọng Hữu (trái) chia sẻ quá trình nuôi cá vược với anh Nguyễn Trịnh Điển - Bí thư huyện đoàn Triệu Phong (bên phải, ở trước). Ảnh: Ngọc Vũ
Cùng nuôi cá vược trong lồng bè bằng vốn vay tín dụng Ngân hàng CSXH qua huyện Đoàn Triệu Phong, anh Văn Ngọc Lộc và Văn Ngọc An (trú thôn An Lợi, Triệu Phước) phấn khởi cho biết, dù mới nuôi vụ cá đầu tiên nhưng đã có lãi khoảng 30 triệu đồng/lồng/1.500 con.
“Vụ đầu tiên chúng tôi mong chỉ hòa vốn để học hỏi kinh nghiệm nhưng thật tuyệt là lại có lãi. Đây là thắng lợi bước đầu có tính động viên để chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô nuôi cá vược” – anh Văn Ngọc Lộc nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá vược, anh Võ Trọng Hữu cho biết, cá vược nhạy cảm với môi trường và thức ăn, vì vậy muốn cá sinh trưởng và phát triển tốt cần đảm bảo thức ăn đều đặn và nguồn nước sạch sẽ, không ô nhiễm. Về nguồn thức ăn, anh Hữu mua cá nhỏ tại cảng Cửa Việt cho cá vược ăn để giảm bớt chi phí.
“Loài cá này dữ dằn mà khôn ăn đáo để. Thức ăn chỉ có chút mùi ươn thiu là cá vược không bao giờ ăn. Đặc biệt, nuôi cá vược không sử dụng thức ăn công nghiệp, vì vậy đây là loài cá sạch, đảm bảo chất lượng thơm ngon...” – anh Hữu nói.
Lồng nuôi cá vược được kết cấu bằng khung sắt, lưới, phao nổi. Ảnh: Ngọc Vũ
Anh Văn Ngọc An cho hay, cá vược là loài khá dữ dằn bởi nó thường tấn công các loại cá khác. Vì vậy, người nuôi muốn thả xen cá nâu để tăng thu nhập thì phải thả lúc cá vược còn nhỏ. Khi cá nâu đủ lớn thì khá vược không thể tấn công cá nâu bởi cá vược bơi chậm hơn.
Theo chia sẻ của anh An, nếu chạm tay, chân xuống mặt nước, cá vược tưởng nhầm là thức ăn và sẽ tấn công có thể gây bị thương. Bởi vậy, người nuôi cá vược phải cận thận.
Anh Nguyễn Trịnh Điển – Bí thư huyện đoàn Triệu Phong cho hay, hiện nay trên địa bàn xã Triệu Phước có khá nhiều hộ dân tham gia nuôi cá vược trong lồng bè (riêng thanh niên nuôi 6 lồng), bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, huyện đoàn sẽ tham mưu chính quyền quy hoạch vùng nuôi cá vược trong lồng bè, khuyến khích các hộ nuôi liên kết để có đầu ra ổn định, từng bước khẳng định thương hiệu “cá vược Triệu Phước”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn